THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM

Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN NHƠN

(1931 - 2013)

 

TIỂU SỬ

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG

Thượng THIỆN Hạ NHƠN

 

1. THÂN THẾ:

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, Ngài là người con thứ ba. Gia đình Ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam Bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.

 

2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Từ nhỏ, Ngài đã sớm có duyên lành với đạo Phật, Ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Với bẩm chất thông minh, Ngài đã sớm đậu bằng Primaire. Chủng tử Phật pháp trong Ngài sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), học đạo với thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với Ngài Quảng Đức tại chùa Tịnh An - Phù Cát.

Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh, là bậc Pháp sư lừng lẫy khắp miền Trung, uyên thâm kinh điển Đại Thừa, kế thừa Tổ Tâm Tịnh-Huệ Chiếu, trụ trì chùa Hưng Long – An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được phú Pháp danh là Quảng Phước.

Năm 1950, Ngài được Bổn sư và Hòa thượng Trí Nghiêm truyền trao giới pháp Sa Di tại chùa Hưng Long – An Nhơn, được ban Pháp tự là Thiện Nhơn.

 

3. HÀNH ĐẠO:

Từ năm 1948 - 1954, Ngài làm Thư ký Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng Bổn sư, Ngài cùng đoàn Học Tăng từ Phật Học Đường Hưng Long, Bình Định, 12 vị, gồm quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh…đi bộ vào Khánh Hòa để cầu tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt-Nha Trang (tiền thân của Phật Học Viện Trung phần-Nha Trang), do Hòa thượng Thích Huyền Quang làm giám đốc.

Năm 1957, cùng rất đông Pháp lữ đồng môn, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được Bổn sư ban Pháp hiệu là Quán Hạnh.

Năm 1958, Ngài tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng Phật học từ Phật Học Đường Trung phần, được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bổ nhiệm làm Giảng sư, giáo hóa khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, Ngài được mời kiêm nhiệm Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi trong 2 năm.

Năm 1964-1975, GHPGVNTN thỉnh cử Ngài làm Chánh Đại Diện Giáo hội tỉnh GiaLai – KonTum. Trong giai đoạn này, Ngài cũng thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku.

Năm 1966-1967, Ngài gia nhập Nha Tuyên úy Phật giáo, và được bổ nhiệm làm Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo QĐVNCH Vùng II Chiến Thuật, bao gồm các quân, binh chủng ở Cao Nguyên và Duyên hải Trung phần để hỗ trợ và hướng dẫn tâm linh cho quân nhân Phật tử và siêu độ cho binh sĩ tử trận.

Trong những năm 1964-1975, tuy rất bận rộn với bao công tác hoằng pháp và trọng trách hành chánh điều hành nhiều cấp giáo hội, nhưng Ngài cũng thực thi tâm huyết phổ độ quần sanh, nên đã khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), v.v..

Năm 1982, sau 6 năm chịu an trí, lao động, Ngài trở về phụ tá Hòa thượng Bổn sư Giác Tánh trong trách nhiệm dạy dỗ Kinh Luật cho Tăng chúng và quản trị mọi Phật sự tại Tổ đình Thiên Đức.

Năm 1987, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã tiếp nhận Tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền Đăng Tục Diệm”, nhậm chức trú trì để làm quang huy rạng rỡ ngôi Tổ đình Thiên Đức, do Ngài Minh Giác Kỳ Phương, Tỵ Tổ của Tổ đình Thập Tháp đến Háo Lễ khai sơn từ đầu thế kỷ 18.

Bên cạnh đó, với đại hạnh đồng sự, cộng hành để chung tay xiển dương cơ đồ Đạo pháp đang cơn trầm nịch suốt thế kỷ qua, từ 1982 đến ngày viên tịch, hơn 30 năm, Ngài luôn luôn làm gương, cổ võ, dấn thân cùng chư tôn Giáo phẩm, chư Tôn đức trong bản tỉnh thực hiện hàng trăm Phật sự chung cho tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử…và thường xuyên đáp ứng thỉnh cầu mọi Phật sự, Pháp sự, Tăng sự từ khắp nơi trên toàn quốc, không bao giờ nề hà lao nhọc, cả đến khi tuổi đã quá cao, sức khỏe đã suy mòn.

 Mặc dù Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng Ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi Phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, chỉ được Hòa Thượng Tôn Sư tái thiết lại một phần vào những năm 1973-1976.

Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), Ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Vào ngày 06 tháng 9 năm 2007, Ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành ngôi Phạm vũ Tổ đình Thiên Đức, hàng chục ngàn Tăng Ni, Phật tử toàn quốc về tham dự.

Ngoài sự thành tựu của ngôi Phạm vũ, Ngài vẫn thường xuyên lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài, tiếp Tăng độ chúng. Tổ đình Thiên Đức, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Ngài, đệ tử xuất gia trước sau cả 100 vị, làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc mà ngàn năm tiền nhân đã vun đắp nuôi dưỡng.

 

 * Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN):

Năm 1991, Ngài cùng chư Tôn đức trong bản tỉnh đứng ra tích cực vận động thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tại tu viện Nguyên Thiều, đến nay được 6 Khoá, đã và đang đào tạo trên một nghìn Tăng Ni trẻ toàn quốc về đây tham học. Đặc biệt, do Ban Trị Sự khéo léo vận động bảo trợ từ trong và ngoài nước, nên Trường TCPH Nguyên Thiều là một trong rất ít các cơ sở đào tạo Tăng Ni có điều kiện thuận duyên tu học, quy củ rất nghiêm minh.

Nhiệm kỳ 1992-1997, Ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.

Nhiệm kỳ 1997-2002, Ngài được suy cử vào Ủy viên HĐTS/ GHPGVN, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.

Nhiệm kỳ 2002-2007, Ngài được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

Nhiệm kỳ 2007-2012, Ngài tiếp tục được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

Nhiệm kỳ 2012-2017, Ngài được suy cử vào Ủy viên Thường trực HĐCM, Ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

 

* Chức sự trong các giới đàn:

Năm 1994, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

Năm 2000, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

Năm 2000, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn Liễu Quán II, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Phú Yên tổ chức.

Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại giới đàn Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc.

Năm 2004, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết-ma A-xà-lê Đại giới đàn Huệ Chiếu do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

Năm 2004, Ngài làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ.

Năm 2009, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết Ma A-xà-lê Đại giới đàn Giác Tánh do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

 

4. VIÊN TỊCH:

Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Ngài không từ nan bất cứ Phật sự nào, bất cứ sự cần cầu nào, như lời Ngài thường dạy đồ chúng: “nơi nào cần thì ta đến, hết việc thì ta lại đi, không thời gian, không biên giới.” Trong chuyến đi chứng minh cho lễ Khai giảng khóa đầu tiên của trường Trung cấp Phật học tại Gia Lai ngày 30/10/2012, Ngài bị tai biến nhẹ. Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM tận tình chữa trị, sau đó Ngài đã bình phục gần như hoàn toàn. Nhưng vì nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa Tổ nghiệp đã thành, huyễn thân tứ đại giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, với linh cảm nhiệm mầu, Ngài đã trở về chốn Tổ đình Thiên Đức, xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch vào lúc 06 giờ rưỡi sáng, ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm 11/3/Quý Tỵ). Trụ thế 83 năm, 55 Tăng lạp.

Suốt cuộc đời Ngài từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, Ngài đã không ngừng phụng sự Đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa Tổ nghiệp, Ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn môn đồ tứ chúng; trong hàng đệ tử xuất gia, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ Phật học, nhiều vị đã trụ trì, giữ nhiều trọng trách Phật sự trong và ngoài nước. Ngài cũng có công lớn trong việc khai sơn, tái thiết, trùng tu các ngôi chùa như: Hồng Từ, Đạo Quang, Pháp Hải, Hoa Nghiêm, Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền…, đặc biệt là công trình đại trùng tu Tổ đình Thiên Đức.

Với cuộc đời thanh tu, nếp sống giản dị chan hòa, với tâm lượng bao dung hỷ xả, với trí tuệ mẫn tiệp sâu sắc, với giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh, Ngài xứng đáng là bậc Tòng Lâm Thạch Trụ, là bậc cao Tăng thạc đức trong chốn rừng thiền. Với tầm nhìn thấu triệt trước sau, với hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng, với hùng tâm dũng lực, Ngài là nhà lãnh đạo sáng suốt, tài đức vẹn toàn, tự tại vô úy trước sự thăng trầm của cuộc đời. Tinh thần hy hiến, phụng sự của Ngài vẫn còn mãi mãi với Đạo pháp. Pháp âm của Ngài vẫn còn vang vọng, in đậm trong lòng Tứ chúng khắp nơi.

Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất đi một vị Thầy tôn kính, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử.

Dẫu biết rằng ‘vô thường thị thường’, ‘sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ’, bậc xuất trần đại sĩ đến đi vô ngại như gió thoảng mây bay, như cánh nhạn tầng không chẳng để lại dấu vết, nhưng trước cảnh sanh ly tử biệt, môn đồ tứ chúng, chư tôn Thiền đức Tăng Ni khắp nơi, Thiện tín Phật tử xa gần làm sao tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn với bậc Tôn sư khả kính.

NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY Thượng QUẢNG Hạ PHƯỚC, Hiệu QUÁN HẠNH, Tự THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH, THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

        Môn đồ Pháp quyến cung soạn

 

 

Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN NHƠN

 

==================================

 

HÌNH ẢNH LỄ CUNG AN CHỨC SỰ & LỄ NHẬP KIM QUAN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

==================================

HÌNH ẢNH LỄ THỤ TANG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

==================================

HÌNH ẢNH CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI VIẾNG TANG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

==================================

HÌNH ẢNH LỄ TRUY NIỆM, NHẬP BẢO THÁP & THƯỢNG CHÂN DUNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỜI BÁI BIỆT THẦY CỦA MÔN ĐỆ

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Quý Ngài

Cho phép chúng con được tỏ lòng tôn kính, tâm sự với đức ân sư trong những giây phút cuối cùng.

Kính bạch Giác linh Thầy.

Thầy ơi! Huynh đệ chúng con đã về cả rồi, nhưng suốt cuộc đời này không tìm được người Thầy tôn kính. Thầy đã ra đi thật rồi! chúng con đang quỳ trước di ảnh và kim quan của Thầy, lát nữa đây phải tiễn đưa nhục thân của Thầy trở về với tứ đại.

Vẫn biết rằng sinh ly tử biệt là lẽ thường, nhưng trước cảnh mất mát to lớn này, hàng đệ tử chúng con không sao tránh khỏi đau buồn ái biệt. niềm kính thương nầy sông nào mang đi được, lệ ngậm ngùi nầy biển nào cuốn tận khơi. Thuở ban đầu Thầy trò gặp gỡ, ấm áp cái nhìn của bậc ân sư. Cuộc đời Thầy là muôn trùng chông gai cách trở, nhưng Thầy vẫn vững bước ung dung. Thầy đã trao cho chúng con giới thân huệ mạng, nuôi dưỡng chúng con bằng thân giáo uy nghiêm, Thầy đã từng dạy chúng con: Người xuất gia phải hiến trọn đời mình cho đạo, nơi nào cần thì đến, xong việc rồi lại đi. Thầy đã nối tiếp con đường tâm linh của bao đời Tổ sư để lại, kế thừa Tổ đình để phát chấn trùng hưng. Chúng con thả từng bước chân đi là dẫm lên từng giọt mồ hôi từng niềm suy tư trăn trở của Thầy. giờ nhìn lại di ảnh hiền từ trên linh đài mà lòng chúng con quặn thắt.

Còn đâu những lời dạy nghiêm từ, những giáo huấn chân tình tâm lý. Nhớ ơn Thầy, chúng con phải tự gắn sức tu hành hoằng hoá, nhớ ơn Thầy chúng con phải vượt mọi thử thách chông gai, nhớ ơn Thầy chúng con phải biết yêu thương đoàn kết. Không được quyền sống cho mình mà phải sống vì tất cả. Chúng con không được quyền hưởng thụ an nhàn mà phải gắng công đem đạo mầu tô thắm trần gian.

Kính lạy ân sư khả tôn khả kính, khả quý khả trọng. Thế là một buổi sáng cuối xuân, Thầy bỏ lại trần gian, trở gót về Tây theo Phật bỏ lại bụi trần, gió thế hương đời, phủi tay đi vào cõi không thanh thản.

Nước mắt nào rơi, nỗi buồn nào thấu.

Biển sóng nghìn khơi, tình nào sâu đậm

Ân nghĩa một đời, ướt đẫm hoàng hôn.

Phước hưng sông Kôn còn in hình bóng

Chuông chiều đồng vọng, trầm bỗng lời kinh

Cõi Phật quang minh thầy lên bờ giác.

Than ôi! Thầy đi một buổi sớm mai,

Xác thân bất hoại, dấu hài còn ghi.

Chúng con bốn chúng hồ quỳ.

Tiễn Thầy lần cuối biệt ly lệ sầu.

Dáng Thầy nay biết tìm đâu.

Lời Thầy xin nguyện khắc sâu trọn đời.

Chúng con thành kính bái biệt Thầy.!

 Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Ngũ Thế, Thiên Đức Đường Thượng, huý thượng Quảng hạ Phước, tự Thiện Nhơn, hiệu Quán Hạnh Trưởng lão Hoà thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

 

 

==================================

 

HÌNH ẢNH

LỄ TRUY NIỆM CỐ HT THÍCH THIỆN NHƠN

TẠI TU VIỆN VẠN HẠNH - ÚC ĐẠI LỢI

 

 

 

==================================

CÁO PHÓ

- Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

- Ban Trị Sư Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bình Định

- Môn đồ pháp quyến Tổ Đình Thiên Đức

 

Vô cùng kính tiếc báo tin:

CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN NHƠN

- Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN

- Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN

- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định

- Viện chủ Tổ đình Thiên Đức, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định

Sau thời gian lâm bệnh, vì tuổi cao sức yếu, Hòa Thượng đã thâu thần thị tịch vào lúc: 6 giờ 30 phút ngày 20/4/2013 (nhằm ngày 11/3/ Quý Tỵ) tại Tổ đình Thiên Đức, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trụ thế: 83 năm, Hạ lạp: 63 năm.

       Kim quan Cố Hòa thượng được tôn trí tại Tổ đình Thiên Đức. xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

      Lễ nhập kim quan lúc:20h00’ ngày 20/4/2013(nhằm ngày 11/3/Quý Tỵ).

      Lễ Phúng điếu: 7h00’ ngày 21 /4 /2013 (nhằm ngày 12/3/Quý Tỵ).

      Lễ Truy niệm: 8h00’ ngày 24 / 4 /2013 (nhằm ngày 15/3/Quý Tỵ).

       Lễ Phụng tống Kim quan nhập Bảo tháp: 9h00’ ngày 24/4 /2013 (nhằm ngày 15/3/Quý Tỵ) tại Tổ đình Thiên Đức, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

       TM. BAN THƯỜNG TRỰC BAN TRỊ SỰ

       PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC 

       (ấn ký)

       HT. THÍCH NGUYÊN PHƯỚC

====================================================

 

BAN TỔ CHỨC LỄ TANG

 

BAN CHỨNG MINH :

HT Thích Trí Tịnh

HT Thích Thiện Bình

HT Thích Đức Nghiệp

HT Thích Đức Phương

HT Thích Phước Thành

HT Thích Mật Hạnh

HT Thích Trí Tâm.

 

BAN TỔ CHỨC :

Trưởng ban: HT Thích Thiện Nhơn  (TƯGH)

Phó Trưởng ban Thường trực: HT Thích Nguyên Phước

Phó ban:   HT Thích Thiện Pháp

HT Thích Thiện Duyên

HT Thích Quảng Xả

HT Thích Nguyên Chơn

                 HT Thích Viên Đạt

HT Thích Như Quang

                 ĐĐ Thích Nhuận Trí

                 Ông Dương Thanh Bình

Ủy viên:   HT. Thích Huệ Minh

HT. Thích Huệ Trí (Vp2)     

HT. Thích Quảng Bửu

HT. Thích Trí Giác

HT. Thích Nguyên Huệ             

HT. Thích Nguyên Khiết

HT. Thích Giác Tần

HT. Thích Hạnh Bảo

HT. Thích Trí Hải

TT. Thích Chúc Thọ

TT. Thích Quảng Độ

NT. TN Hạnh Nghiêm          

Thư ký:    ĐĐ. Thích Quảng Duy               

ĐĐ. Thích Viên Chơn           

                 ĐĐ. Thích Quảng Dũng

ĐĐ. Thích Quảng Thái

Sư cô Thích Nữ Minh Tấn

Sư cô Thích Nữ Minh Thành

Cư sĩ Nguyên Hiệp

Cư sĩ Thiện Hải         

Tài chánh: Ni Sư: Thích Nữ Hạnh Giáo           

Thủ Quỹ: Ni Sư: Thích Nữ Hạnh Giải

=====================================

Xin viết dâng Ông

Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn - Phương Trượng Tổ đình Thiên Đức

Thích Nhật Tân

 

Kính thưa Ông,

Thế là Ông đã ra đi

Theo dòng chuyển tử sinh

Giữa cung bậc vô thường

Vũ trụ thiên hà lồng lộng

Ba đường sáu nẻo mang mang

Thôn Tân Hòa còn đó

Xứ Phù Cát còn đây

Dòng họ Hồ khai sinh một bậc Cao Tăng kiệt xuất

Đất Bình Định lưu bố một bậc thạch trụ thiền môn

Thanh Tùng tên thế, tôn hiệu Thiện Nhơn

63 Pháp Lạp, đạo nghiệp tinh nghiêm

83 tuế thọ, một đời phụng sự

Bình Định là tỉnh nhà

Băng lên các tỉnh Cao Nguyên

Ra ngoài kia thì Quảng Ngãi

Vào trong Khánh Hòa, Phú Yên

Xa hơn, Sài Gòn, Hà Nội

Vượt trùng, Úc Châu, Mỹ quốc, Ấn, Miến, Thái Lan

Nơi nào Ông đến, cũng lưu lại bóng hình kính mến

Nơi nào Ông đi, cũng ghi dấu ấn tượng tôn nhan

Ông Nội Chú ơi!

Dòng đời chưa hết

Cuộc thế chưa qua

Ông đã đến tuổi già

Thuận thế vô thường

Đó là việc hiển nhiên mang thân tứ đại

Tai biến lần thứ nhất, bịnh tình cơ chừng chưa khỏi

Tai biến lần thứ hai, báo hiệu triệu chứng thất thường

Và lần thứ ba tái diễn, ly trà chưa hết, nhẹ thõng tay buông

Ông an nhiên thị tịch

Dòng sinh diệt

Cửa tùng đôi cánh khép

Nhớ xưa con còn bé

Vừa lên năm lên bảy

Mỗi Tết Ông về thăm

Rồi Bà Năm, Ông Sáu

Lại Bác Năm, Bác Chín

Trong con thật vui mừng

Niềm diễm phúc vô biên

Chiếc Y Vàng, in trong con từ đó

Bộ nâu sồng, trông trang nhã làm sao

Đầu tròn, áo vuông, vóc dáng thanh tao

Và trong con, ước gì được như thế

Đã nhiều lần con thưa Mẹ

Cho con theo nghe Mẹ ơi

Mẹ không nói nhiều lời

Nếu muốn đi, Mẹ sẽ cho đi

Nhưng đợi mai mốt lớn lên

Chứ bây giờ còn nhỏ lắm

Một ngày kia, chưa bước vào niên thiếu

Con được đi và sống với mái chùa

Đến hôm nay, gần 50 năm, thấm thoát thoi đưa

Hèn chi người ta nói: “bóng câu qua cửa sổ”

Bác Năm Đà, là người đã tịch trước

Tiếp theo là Bà Năm, quy ẩn Kon Tum

Bác Chín thì còn, tức Hòa Thượng Nhật Ban

Ông Sáu vẫn đó, nhưng nhân duyên tạm gián

Đời Ông, đời Bác, gồm 5 người xuất thế

Đời cháu, một mình con lặn lội ly gia

50 năm, chưa đâu vào đâu dưới bóng cả Phật Đà

Chắc chẳng ra sao, dù miệt mài tận tụy

Đời sau, thêm một người nữa là Quảng Trí

Rồi Nhuận Đức, Nhuận Thanh bước vào ngưỡng cửa từ bi

Hãy cố gắng nghe, rèn tâm, luyện chí, tu trì

Vì Đạo, vì đời, cứ tập sống biết hy sinh và phụng sự đi

Đời Ông, Ông Ngài Thích Thiện Nhơn

Xứng đáng đứng vào hàng Tăng Lữ kiệt hiệt vô nghì

Đời Bác, Hòa Thượng Thích Nhật Ban

Cũng đáng sánh vào bậc Thiền gia Thích tử

Hôm nay

Kim quan của Ông đang trần thiết tại Tổ đình Thiên Đức

Con xin vọng bái Ông từ trụ xứ Pháp Quang

Gần nửa tinh cầu lệ trũng tâm can

Gặm nhấm niềm đau thấu cùng cơ thể

Hai đường hai ngả

Khúc rẽ oan khiên

Không phải cách ngăn

Bởi địa phận, không gian, biển cả, đất liền

Mà chỉ bởi phạm trù bao dấu chấm

Chấm là hết

Hay chấm là còn

Chấm là ngửa

Hay chấm là nghiêng

Quê Cha ơi, tôi vẫn nhớ mọi miền

Đất Mẹ ơi, tôi vẫn thương khắp nẻo

Nhớ từ đỉnh núi, nhớ đến sơn khê

Nhớ hướng băng ngang, nhớ lối ngõ về

Nhớ mái nhà tranh, nhớ hồng bếp lửa

Con xin viết dâng Ông, tình nhà cũng có

Tình đạo, tình đời, nghĩa non nghĩa nước, cũng vậy thôi

Bởi trước khi là Tăng sĩ, vốn là người Việt Nam rồi

Nên dù lưng có còng, hai vai cũng phải gánh

Gánh, như Bà Mẹ Già tóc trắng

Gánh, như Ông Cha Già bạc phơ

Ngàn năm xưa, vẹn ước thề

Ngàn năm sau, vẫn ươm mơ trong lành

Quê Hương - Đạo Pháp của mình

Chan hòa như bóng in hình thiên thu.

 

Úc Châu, ngày 21-4-2013

“Ông Thầy cháu, lời Ông thường nói”

Thích Nhật Tân

 

==================================

NGƯỠNG VỌNG TÔN SƯ

Nén Tâm Hương kính lễ Cố Hòa Thượng Thích thượng Thiện hạ Nhơn

Thích Đồng Trí

 

Một buổi chiều kia vắng bóng Người

        Cỏ hoa héo úa, chẳng còn tươi

Tứ chúng hoang mang lòng trống vắng

Sau trước Thiền môn vắng tiếng cười,…

Trong thời gian gần đây con luôn hướng nghĩ về quê hương và Bình Định bởi vì con đang sắp xếp chuyến về thăm lại Việt Nam để thăm cha già đau nặng, héo hắt và kính viếng Chư Tôn Đức, già lam…trong mùa hè này, sau mùa Phật Đản. Lòng con hân hoan khi nghĩ đến cảnh viếng thăm lại Tổ Đình Thiên Đức và đảnh lễ Hòa Thượng.

Trong Kinh Phật có dạy câu : “Tương lai không ước vọng,… Hiện tại chính là đây”, thế là tâm nguyện tương ngộ, bái kiến Hòa Thượng một lần nữa của con trở thành một tương lai không bao giờ hiện thực được, trong khi hiện tại, thực tế phũ phàng hiện xảy ra: con vừa hay tin Hòa Thượng đã xả báo thân, trở về cõi Phật.

Khi Sư Ông (cho con được gọi Hòa Thượng là Sư Ông như thuở trước) và Sư Phụ con (cố Hòa Thượng Thích thượng Đồng hạ Thiện) sinh tiền, Sư Ông thường xuyên ghé thăm đàm đạo với Sư Phụ con, khi đó con làm thị giả, trải qua ba thế hệ Sư Đệ cùng với con ở phòng thị giả: Đồng Kỳ, Đồng Liên, chú Tính. Con nhớ cái ngày con làm chú tiểu mới vô chùa làm thị giả pha trà cho Sư Phụ tiếp khách đó, con vụng về không biết pha, rót và dâng trà cho đúng cách, chính Sư Ông từ ái hướng dẫn rất cặn kẽ cách pha trà thế nào, cách tráng ly thế nào, cách rót trà vào ly và mang đến các vị Hòa Thượng thế nào…Do uy đức và kinh nghiệm sống, giao tiếp nên Sư Ông đễ chinh phục lòng người và khiến họ nhớ mãi cho dù là chỉ qua vài lần gặp. Sư Ông có điểm đặc biệt là nhớ rõ tên và tánh cách của mỗi người sau mỗi lần gặp khiến mỗi lần gặp lại họ cảm thấy Sư Ông quan tâm đến họ, gần gũi và có mối tâm giao.

Cứ mỗi mồng Bốn Tết âm lịch chúng con đến tham dự cúng giỗ Ngài Giác Tánh cũng để đảnh lễ Khánh Tuế Sư Ông, chúng con lại có dịp chứng kiến được bao nhiêu người Phật tử gần xa câu hội chen nhau đảnh lễ và kính quý Sư Ông biết dường nào. Sư Ông thường nắm tay dặn dò con: “Con cố gắng tu học bồi dưỡng cho thật tốt để sau này về kế thế cho Quý Ông, quý Thầy lo Phật sự, nhất là cho giáo dục Phật giáo tại Tỉnh nhà”. Sư Ông đối với con đặc biệt là điều dễ hiểu bởi 2 lẽ: 1/ Con làm thị giả cho Sư Phụ con thường dâng trà cho Sư Ông, 2/ Con là “người đi trước” của Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định khóa I (sau năm 1975 đến 17 năm mới mở lại), con vừa học hơn nửa năm I thì Ban Giám Hiệu nhà trường đồng ý tuyển con (đại diện duy nhất của Trường) thi vào Đại Học Vạn Hạnh. Mỗi mùa Xuân đến, con về quê và tháp tùng chuyến xe của Trường Cơ Bản Phật Học đến đảnh lễ Sư Ông. Con thường cúng dường đến Sư Ông “trà xanh” và mỗi dịp như vậy, Sư Ông đều ban cho chúng con những lời huấn thị, nhắc nhở tâm tình làm hành trang cuộc sống.

Có một độ Sư Ông đã thể hiện tình cảm rất gần gũi, thân thiết, quan tâm chia sẻ với con, đó là lúc con về thọ tang cho thân mẫu (2001). Trong dịp làm Lễ cúng cầu siêu và chẩn tế chung thất trai tuần đó, lẽ ra con đã thỉnh Sư Ông chứng minh và gia trì, thế nhưng vì có vài duyên khác nên con đã thỉnh Hòa Thượng ở Phù Cát với vai trò ấy. Khi xong tang lễ và hiếu sự, con đến Thiên Đức đảnh lễ Sư Ông để qua Ấn Độ tiếp tục tu học, Sư Ông gửi tặng cho con phần quà là 600 ngàn và nói: “con vừa đi học, lại vừa có thể về quê để lo hiếu sự với mẫu thân suốt 49 ngày thì tốt quá. Thầy chia sẻ sự ra đi mất mát của Sư Phụ con và mẫu thân con. Thầy với Sư Phụ con như tình Huynh Đệ và Thầy xem con cũng như đệ tử Thầy chứ không phân biệt. Đây là chút quà Thầy biếu tặng con, con hãy qua trở lại xứ Phật tu học cho tốt, làm hành trang cho chặng đường Phật sự sau này,…”. Con nhận phần quà trên tay cảm kích với thâm nặng ân tình. Quả thật lúc đó con cần 300 ngàn để trả cho thợ quay phim Đập Đá mà con phụ lo đám tang hết tiền để trả, đó là chưa nói đến tiền xe vào Saigon và uống nước dọc đường. Tất nhiên, con có thể tìm và ngỏ lời xin đối với vài người thân quen khác cho qua cơn thắt ngặt, nhưng dù sao, “tự nhiên” có người cơ cảm ban cho thì vẫn hơn.  

Gần đây, chính con là người soạn thư mời giúp cho một chùa gửi đến Sư Ông để Sư Ông có thể đến làm Lễ và sinh hoạt gieo duyên với các tự viện tại Hoa Kỳ một lần nữa cũng như đến thăm một Chùa Thiên Đức bên này thế nhưng sau đó Sư Ông suy yếu phải nhập viện. Đức Phật nhập niết bàn lúc 80 tuổi, còn Sư Ông sau 83 năm sinh hoạt nhiều và lao lực trong trần thế, chiếc xe đã cũ kỹ, báo thân đến lúc mòn mỏi và rời rã nên Người thuận xả, an nhiên thâu thần thị tịch ra đi. Lần lại hành trạng cả cuộc đời của Người: vào chùa khi mới 12 tuổi, tu học ở Thiên Đức, Hưng Long, Phật Học Đường Trung Phần Nha Trang với nhiều danh Sư: Ngài Giác Tánh, Ngài Giác Nhiên, Ngài Thiện Siêu, … pháp lữ đồng học của Sư Ông là những bậc Cao Tăng Thạc Đức: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh…. Sư Ông đã trải qua bao nhiêu chặng đường Phật sự, đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn lao: là Giảng sư khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi, Chánh hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh ĐakLak, trú trì chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh GiaLai – KonTum, thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku, Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo QĐVNCH Vùng II Chiến Thuật, bao gồm các quân, binh chủng ở Cao Nguyên và Duyên hải Trung phần, khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền, trải qua 3 nhiệm kỳ : 2002-2007, 2007-2012 và 2012-2017, Sư Ông được suy cử vào Ủy viên Thường trực Hội Đồng Chứng Minh, Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định. Sư Ông đã làm Giáo Thọ, Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại tại các giới đàn thuộc các quốc gia, châu lục khác nhau Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc (năm 2003), Đại giới đàn Chánh Nhơn, giới đàn Huệ Chiếu Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn, giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ (năm 2004).

Quả thật với xứng danh “Thiên Đức”, uy đức bao trùm hoàn vũ, là bậc kế thừa xuất sắc chư Tổ Đức, liệt vị Tổ Sư và Ngài Giác Tánh, Sư Ông đã trùng hưng Tổ Đình Thiên Đức, ân đức mưa móc khắp xa gần, lãnh đạo và dìu dắt cho hơn 100 đệ tử xuất gia, tu học thành tựu từ Trung Cấp Phật Học cho đến Cử Nhân, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ và hoằng pháp, trụ trì khắp trong nước cho đến Úc Châu, Hoa Kỳ, Người làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc. Nếu ai đó không rành đường, từ quốc lộ một hướng về xã phước Hưng, hỏi về Chùa Thiên Đức, dân làng gần xa đều biết. Người chứng minh đại lễ, ban đạo từ, giảng pháp, ứng phó đạo tràng cầu an, cầu siêu, tiếp xúc lợi lạc cho quần chúng hà sa không ngại ngần xa xôi, gian lao, mỏi mệt, chư Tăng ni lớp lớp đều đến đảnh lễ thọ giáo với Người, thấm nhuần ân khai đạo. Người có một hảo tướng, lông mày trắng, cốt cách phi phàm như một “Ông Tiên”, nụ cười ấm áp hiền hòa, đôi mắt long lanh, đầy nghị lực và soi sáng, giọng nói ái ngữ thâm trầm cuốn hút và đi sâu vào lòng người. Người kết tinh những đặc tính cao quý của bậc Đại Đạo Sư, làm Tòng Lâm Thạch Trụ che bóng mát bồ đề cho bao đàn hậu học…

Vẫn biết hồng trần là cõi tạm, tứ đại huyễn thân, kiếp nhân sinh như một lữ khách, đến rồi lại đi, Người xả bỏ báo thân sau 83 năm rong chơi tự tại, thế nhưng định luật vô thường lạnh lùng khắt khe đó đã tạo nên cảnh sanh ly tử biệt và hàng tứ chúng ngẩn ngơ, bàng hoàng, xót lệ tiễn đưa Người. Kể từ đây, Phật Giáo Việt Nam mất đi một bậc Giáo Phẩm Chứng Minh, Phật Giáo tỉnh nhà Bình Định không còn một vị Trưởng Ban Đại Diện mô phạm, dấn thân, tôn kính, Tổ Đình Thiên Đức mất đi linh hồn nương tựa, hàng tứ chúng mất đi một vị Thầy, một người Cha tận tuỵ với trách nhiệm yêu thương chăm sóc,…,mất mát tang tóc to lớn này không sao bù đắp được như trong kinh Pháp Hoa mô tả:

“Con dại nhằm thuốc đắng / Cha già biệt tha phương”

Mùa hè năm nay con sẽ về thăm lại Tổ Đình Thiên Đức, sẽ không còn dịp bái kiến hầu chuyện bên Người mà chỉ còn lặng lẽ thắp nén hương tưởng niệm trước bàn hương án. Mọi thứ đã đổi thay, chỉ 2 năm trước thôi, con ấm lóng khi dẫn phái đoàn Chùa Phước Long, Gia Lạc, Phù Cát cũng như các gia đình tang sự tại chợ gồm, Phù Mỹ đến Chùa Thiên Đức là có Sư Ông tận tình tiếp đón, giờ này chỉ còn lại một khoảng chơ vơ trống vắng mênh mông. Quý Chư Tôn Đức mà con có dịp gần gũi thọ giáo tại Tỉnh nhà đã lần lượt ra đi: HT Huyền Quang, HT Đồng Thiện, HT Bảo An, HT Đổng Minh, HT Đổng Quán, HT Sơn Long, HT Nguyên Trạch, HT Phước Hải (Cát Minh),…Quãng thời gian tu học tại các già lam, tự viện, thời làm điệu, những kỷ niệm ân tình đối với quý Ngài là hành trang vô giá giúp cho con vượt qua được những thăng trầm biến thiên của cuộc sống, noi gương hạnh Bồ Tát của Quý Ngài mà không chùn bước trước bao nhiêu thử thách chướng duyên, vẫn giữ được chiếc áo và tư cách, phẩm hạnh của người xuất gia để không cô phụ ân tri ngộ, giáo hoá, yêu thương tin tưởng, nhắn nhủ ân tình của Quý Ngài, Quý Thầy.

Rồi mai đây thân Người được đưa vào Bảo Tháp, tan trong lòng đất và nuôi dưỡng những mầm xanh. Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương, cỏ hoa sớm chiều vẫn rì rào theo tiếng gió khẽ nhắc tên Người. Tiếng tụng kinh mỗi đêm, hương án lung linh, ngấn lệ sụt sùi, bao ân tình chưa phôi, Người vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của Tứ Chúng, trong mạch sống của Phật Giáo Việt Nam, sử sách vẫn in đậm những nét son về một Cao Tăng Phật Giáo trong thế kỷ XX, một người con ưu tú của xứ địa linh nhân kiệt Bình Định.

Con không được thọ tang trước hương án của Người tại Chùa Thiên Đức nhưng ngày Người ra đi con đánh dấu trong đời con có thêm một sự mất mát của một bậc Thầy, góp phần hun đúc nên con, ban cho con nguồn thương và lẽ sống. Con sẽ không gặp được Người với dáng dấp hình hài thân yêu nữa nhưng con sẽ luôn gặp Người trong tâm nguyện, trong từng chặng hành trình nhân thế. Nụ cười từ ái, lời an ủi nhẹ nhàng, lời huấn thị sâu xa,… đã thấm thành máu thịt, chất liệu sống cho đời con. Con xin hướng về Tổ Đình Thiên Đức đảnh lễ tri ân và tiễn biệt với niềm tin rằng Sư Ông sẽ chứng minh và gia bị cho con. Con xin tiếp nối bước đi Sư Ông, mang niềm tin, ánh sáng Đạo Pháp đến khắp nơi nơi, làm giảm bớt đi nỗi khổ niềm đau cuộc đời, giúp chúng sanh hướng về Chánh Đạo, sống an lành, thăng hoa, giải thoát. Con tin Sư Ông đang mỉm cười, chứng minh và gia bị cho con.

Nguyện cầu Giác Linh Sư Ông cao đăng Phật Quốc, hoa khai kiến Phật để rồi tiếp tục hồi nhập Ta Bà, không rời Bi nguyện, hoá độ nhất thiết chúng sanh

Ánh mắt Người luôn lunh linh soi sáng

Nụ cười kia tan biến vạn sầu lo

Hạnh ngộ Người, dẫu giây phút tình cờ

Thêm nhiên liệu qua bến bờ sanh tử

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY Thượng QUẢNG Hạ PHƯỚC, Hiệu QUÁN HẠNH, Tự THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG ÂN SƯ TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH, THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Chùa Đại Bi Quan Âm, California, ngày 13/03 Quý Tỵ, PL 2556

Khể Thủ

Hậu Học Thích Đồng Trí (Thích Minh Tuệ)

 

==================================

BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Giác HạnhLê Bích Sơn

 

Mỗi chúng ta gặp vô số những con người khác nhau trên cuộc hành trình Sanh - Tử, nhưng chỉ có một ít người lưu lại trong ký ức chúng ta. Người mà tôi sẽ kể cho bạn nghe hôm nay là Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN NHƠN – người vừa tháo bỏ xác thân tứ đại để tiếp tục một hành trình khác trên lộ trình đi về cõi Tịnh.

Khi tôi viết những dòng chữ này gởi đến bạn, bên kia bờ đại dương xác thân của Ngài đang được tứ chúng gởi vào lòng đất mẹ Việt Nam thiên thu.

Nhớ ngày đó - vào năm 1987, Phật giáo quê tôi còn nhiều khó khăn, chư Tăng nhiều chùa trong tỉnh ban ngày lao động lo việc ruộng nương, đêm về an trú trong lời kinh tiếng kệ, nên việc chư Tăng thuyết pháp hay trai tăng là những từ nghe rất xa lạ vào thời bấy giờ. Và ‘thời pháp chui’ của Ngài Thiện Nhơn ban bố tại chùa Hưng Khánh năm ấy là bài pháp lần đầu tiên tôi nghe trong đời. Sở dĩ tôi gọi đó là ‘thời pháp chui’ vì nó diễn ra ‘bí mật’ trong lễ Quy Y Tam Bảo tại chánh điện chùa Hưng Khánh; lúc đó Ngài Thiện Nhơn mới trở về từ ‘trại cải tạo’ vài năm nên chính quyền luôn theo dõi. Chỉ có một số Phật tử thân tín của chùa phát nguyện Quy Y Tam Bảo hôm ấy mới được tham dự, cổng chùa đóng kín và ba chú ‘cẩu’ của chùa làm ‘công tác báo động’, còn tôi được cử làm Thị giả quạt hầu (thời đó chùa chưa có điện)…dù là ‘dự thính - không chính quy’ nhưng cũng nghe được trọn thời pháp. Bài pháp Ngài nói năm ấy là triển khai năm giới cho hàng cư sĩ hiểu với những câu chuyện dẫn chứng rất hấp dẫn. Tôi còn nhớ một trong những câu chuyện Ngài kể về gã uống rượu rồi phạm các giới còn lại…

Lần thứ hai được ‘tiếp xúc chính quy’ với Ngài là giữa tháng 4 năm 2003. Lần đó tôi vừa đi khảo cứu từ Trung Quốc trở về, Ngài xuống thăm Sư ông của tôi là Cố Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, và dặn tôi lên Chùa Thiên Đức trước khi trở lại Ấn Độ.

Lúc ấy Chùa Thiên Đức đang trong giai đoạn trùng tu, Ngài hỏi tôi có ý kiến gì không; tôi cúi đầu thưa: “Theo con, cái gì có thể giữ lại được thì cố gắng giữ, đừng đập phá những công trình kiến trúc do chư Tổ khổ công tạo dựng. Nhiều ngôi chùa cổ đã bị thế hệ trẻ đập phá không thương tiếc, trong khi cái mới chưa thể hình thành. Trùng tu là duy trì, làm mới cái cũ chứ không phải đập phá hết cái cũ”. Tôi trình bày với Ngài về những cổng tam quan, những ngôi bảo tháp của những ngôi chùa cổ là những ‘di sản’ văn hóa vô giá. Và lý luận rằng người ta có thể xây vô số bản sao của Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu – Hà Nội) hay Tháp Phước Duyên (Chùa Linh Mụ - Huế) nhưng không làm sao thay thế được giá trị của ngôi tháp cổ hay ngôi chùa gỗ nhỏ bé đã đi vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Ngài gật đầu…

Ngài hỏi tôi về hiện tình Phật giáo Trung Quốc, tôi trình bày rất nhiều về những điều chứng kiến trong chuyến khảo cứu của mình với ngôn ngữ kính cẩn dành cho các bậc trưởng thượng. Ngài lắng nghe một cách chăm chú. Tôi chia sẻ rằng: ngày nay tại Trung Quốc ‘người ta’ đã biến những tự viện Phật giáo thành những điểm du lịch hơn là nơi tu học cho Tăng ni và Phật tử, mỗi chùa đều có cổng bán vé với giá từ 8 đến 40 nhân dân tệ (1 đến 5 USD) cho mỗi Phật tử viếng chùa; Tăng sĩ tại Trung Quốc hầu như không thấy nếu không muốn nói là không được phép theo học tại các trường Đại học của Trung Quốc, dường như những ngôi chùa không được sự quản lý của chư Tăng mà do chính quyền sắp xếp người của họ vào điều hành, và rất nhiều chuyện không thể tin vào mắt mình. Ngài nói Ngài cũng nghe một vài vị Tăng trở về từ Trung Quốc trình bày như vậy. Ngài hỏi tôi có ý kiến gì cho Phật giáo Việt Nam. Tôi kính cẩn trình bày cùng Ngài việc ‘người ta’ sẽ cố gắng đưa những tự viện vào danh sách ‘Di tích Lịch sử Quốc gia’ rồi sau đó đặt trạm thu phí, bán vé cho khách viếng chùa, và từ từ kiểm soát tất cả những sinh hoạt nội bộ của tự viện và Tăng ni. Việc này cần cảnh giác cao độ, đó là âm mưu giết chết Phật giáo mà Mao Trạch Đông đã từng áp dụng tại Trung Hoa đại lục trong những cuộc ‘Cách mạng văn hóa’…

Câu chuyện lần đó kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ, lúc ấy trời đã tối tôi đành phải cáo từ Ngài với lý do đường xá không quen sợ lái xe  ‘thăm’ ruộng. Sợ bất kính với bậc Trưởng thượng, tôi thưa Ngài: “Dẫu biết rằng kiến thức và kinh nghiệm của con còn quá non nớt, nhưng những gì trình bày cùng Ngài là nhiệt huyết của con. Kính xin Ngài lượng thứ nếu có điều chi sơ xuất”. Ngài cười nói: “Hậu sanh khả úy”; tôi vui miệng đáp lại: “Hậu sanh khả ố thì có, thưa Ngài”.

Trước lúc từ biệt, Ngài trao tôi một phong bì và nói: “Cái này Thầy gởi con mang theo uống nước. Thầy biết anh em bên ấy khó khăn, thiếu thốn mọi bề…”. Tôi không dám nhận và thưa: “Chùa Thiên Đức đang trong giai đoạn trùng tu, xin Ngài cho con cúng dường để tạo phước…”, rồi lên chánh điện lạy Phật và để lại phong bì trên Phật điện. Hai ngày sau, Ngài đích thân sai đệ tử chở đến gia đình của tôi ở ngã ba Phú Tài giao cho người thân và nhờ chuyển lại tôi ‘món quà’ ấy. Sau này tôi đã dùng lại số tiền ấy cùng qúy Tăng ni Bình Định học tập tại Đại học Delhi thỉnh một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Ấn Độ cúng dường Ban Trị sự Phật giáo Bình Định…

Năm tháng qua đi, tôi được cơ duyên tham học nhiều nơi và có dịp học hỏi cùng nhiều bậc trưởng thượng khả kính. Dẫu rất ít khi tiếp xúc cùng Ngài, nhưng đạo phong và cốt cách của Ngài làm tôi vô cùng kính phục mỗi khi diện kiến. Đối diện với Ngài, ai cũng phải kính nể cung cách nghiêm trang của một bậc Long Tượng Thiền Môn, giọng nói của Ngài trầm ấm, cử chỉ khoan thai, và đặc biệt cặp chân mày trắng vút cao của Ngài hiện lên như một võ tướng. Người ta thường ví Bình Định là ‘đất võ trời văn’, riêng tôi mỗi khi có dịp chuyện trò cùng huynh đệ thì sánh Ngài Thiện Nhơn như ‘quan võ’ và Ngài Huyền Quang là ‘quan văn’ của Phật giáo Bình Định.

83 năm cuộc đời, hơn 70 năm mặc áo nhà Thiền, trải qua bao thăng trầm của thế cuộc, nước nhà nhiều lần thay ngôi đổi chủ, tổ quốc trải qua mấy chế độ khác nhau, không hận kẻ đã đem mình bỏ tù – không xu theo những lời xảo trá, Ngài uyển chuyển đi giữa những làn đạn ác liệt của thế gian như ‘Tượng vương’ dũng mãnh xông lên giữa chốn hồng trần để duy trì tâm nguyện: “Truyền Đăng Tục Diệm – Kế Vãng Khai Lai”.

Thành kính đảnh lễ giác linh cố Hòa Thượng thượng THIỆN hạ NHƠN - bậc Đạo sư dõng mãnh như ‘Sư tử tần thân’ và uy nghi như ‘Tượng vương hồi cố’!

Tri ân Ngài – người đã để lại trong tâm con bài pháp đầu tiên trong đời!

 

Atlanta, Georgia – Hoa Kỳ, 23/4/2013

Giác HạnhLê Bích Sơn

 

==================================

 

KÍNH TIỄN GIÁC LINH ÔN THIỆN NHƠN
Bạch Xuân Phẻ

Ôn xuất ngoại để thăm
Ung dung và tự tại
Nụ cười hiền vô ngại
Muôn sự lại hoàn không

Cuộc đời vốn long đong
Ôn thảnh thơi đây đó
Chuyển pháp luân thường tỏ
Giáo lý thoát cõi mê

Hư vô Ôn đi về
Gió lướt qua rặng tre
Trong nắng ấm chiều se
Không tiếng nào để lại

Chân mày bạc trắng thong dong
Bồng lai vừa thoát minh mông Niết Bàn

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008