Một Lần Đi – Một Đời Nhớ

Võ Thị Cẩm Tú

(Pháp tự Chân Thái Lãm)

 

Con đã từng ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó được qua thăm Làng Mai, nhưng khi có tu viện Làng Mai quốc tế ở Thái Lan thì niềm mơ ước đó có phần mờ nhạt bởi lẽ quá xa xôi. Bất ngờ ước mơ thầm kín kia đã thành hiện thực khi có thư mời cả hai vợ chồng qua Làng để dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Làng Mai ở Pháp rồi khánh thành Viện Phật học ứng dụng ở Đức và kỷ niệm 70 năm xuất gia của Sư Ông. Cả hai cùng hân hoan đón nhận tin vui nhưng chỉ một mình con đi vì anh ấy bị té cầu thang. Mặc dù tình thế như vậy nhưng anh luôn luôn động viên phải bỏ hết để đi một chuyến vì đây là cơ hội ngàn năm.

Một mình từ Huế vào Sài Gòn để đi cùng với tăng thân Pháp Vân, lòng nhẹ nhỏm vì cùng đi với nhiều người nhưng không ngờ đến lúc làm thủ tục lên máy bay thì đại đa số hốt hoảng vì họ đòi phải trình thư mời, rất ít người mang theo vì có thư mời mới làm được visa. Riêng con còn quên mang theo giấy mua bảo hiểm. Nhà ai cũng ở xa, con cháu đi đưa tiễn cũng đã chia tay về nhà. Thế là mọi người cuống cuồng, chạy vạy, cuối cùng cũng giải quyết được nhưng đã làm cho tất cả phải căng thẳng, lo lắng trước giờ phút lên máy bay mà đa số là người có tuổi.

          Đến phi trường Charles de Gaulle lúc 6g30 sáng nhưng phải ngồi chờ đến 3 tiếng đồng hồ mới lên máy bay về Bordeaux. Khi xuống máy bay, làm thủ tục Hải quan xong, ra nhận hàng thì đã thấy các thầy và các sư cô đi đón. Nhận hành lý chẳng có ai kiểm soát gì cả. Quý thầy và Sư cô rất chu đáo, mang cả thức ăn và trái cây, nước uống để chúng con dùng trước khi lên xe về Làng. Trời nắng chang chang, không ngờ mùa hè ở Pháp lại nóng đến vậy. Ngồi trước Cabin với thầy Pháp Uyển, nắng trưa dọi vào chịu không nổi, nhìn ở cột đường chạy dòng chữ đỏ 13g11, 410C. May mà khi xe chạy qua những đoạn đường hai bên có cây che mới hứng được một chút gió mát.

Xe chạy gần 2 tiếng mới về đến Làng. Mọi người đều say nắng. Anh Nghiệm hết chịu nổi phải ngã lưng nằm trên đống lá tre. Ai cũng mệt lử nhưng cũng phải loay hoay đi tìm hành lý của mình. Bổng nhiên một chiếc xe con xuất hiện. Và, thật bất ngờ, trên xe có Sư Ông, Sư cô Chân Không và các sư cô thị giả. Mọi người vui mừng muốn reo lên, quên hết mệt nhọc, giống như trong truyện cổ tích “Bổng có ông Bụt hiện ra” vậy. Anh Nghiệm nằm thiếp đi chưa đầy năm phút đã lồm cồm ngồi dậy reo mừng. Niềm hạnh phúc tràn đầy bắt đầu từ đây.

Về xóm Trung, được gặp lại các thầy Từ Hải, Từ Phước, Sư cô Như Hiếu, Khải Nghiêm, Hoa Nghiêm, Trực Nghiêm… quá thân quen nên con lại mừng hơn nữa. Chỉ một số anh chị được ở lại xóm Trung còn lại chia thành hai nhóm về hai nhà trọ. Nhóm của con ở Château Tournentine, cách xóm Trung đến 8 cây số. Thế mà mỗi ngày hai bận được quý thầy Pháp Uyển, Chỉnh Long lái xe đưa đón 11 người, đều đều đúng giờ đúng khắc.

Sáng ra đi lúc 5g30, chiều tối về đến nhà có hôm đến 23g khuya, nhất là khi có chia xẻ với thầy Giác Viên. Thầy Giác Viên gầy yếu, thế mà  những lúc chia xẻ thì hết lòng. Có khi thầy cảm hứng nói sa đà, đến nỗi cô Khải Nghiêm phải nhắc thầy: “Dạ thưa thầy đã 10g15 tối rồi”. Thầy  cười và xin thêm mười lăm phút nữa. Lạ thật! Thân hình thầy gió có thể thổi bay thế mà sức làm việc của thầy lại quá dẻo dai. Thầy hay nói dí dỏm nên tuy thức khuya mà không ai thấy buồn ngủ cả.

Phòng con ở 4 người, nhưng chỉ có một toilette nên đêm nào cũng phải thức chờ nhau làm vệ sinh mãi đến 12g khuya mới đi ngủ. Sáng mai vẫn phải dậy từ lúc 4g30 để chuẩn bị cho kịp xe đến đón. Có đêm mơ mơ màng màng, nhìn ra cửa sổ thấy trời sáng, mắt lem nhem xem đồng hồ thấy 4g30 sáng hoảng hốt đánh thức nhau dậy, nhưng sự thực mới 3h30, bên ngoài trời sáng trăng, chứ không phải hừng đông. Mọi người phải đi nằm lại nhưng rồi cũng chẳng ai ngủ lại được. Thiếu ngủ nên phải kiếm thêm giấc ngủ trưa bù lại. Trong khi đó quý thầy, quý ni cô vẫn miệt mài với công việc phục vụ các khóa tu. Vất vả nhất là khi có tổ chức các đại lễ. Họ làm việc nhiệt tình, cống hiến hết mình, ăn uống chừng mực và ngủ ít nhưng lúc nào cũng tươi vui. Ở Làng mở mắt ra đã thấy cười và nhờ năng lượng tập thể nên chẳng thấy ai đau ốm gì cả. Ở nhà mất ngủ 3 đêm là ốm (bệnh) mà không bệnh thì cũng hư hao, đằng này thấy có nhiều người lên cân rõ rệt (má phính). Các anh chị ở Đức qua Làng tu học về họ nói ai cũng mập ra vì được ăn ngon quá. Em gái con cũng đã hỏi: “Ở Làng cho ăn chi mà ai đi về cũng mập lên và khen được ăn ngon lắm”. Xóm Trung nấu ăn rất hợp khẩu vị của người Việt, vả lại ở Làng thức ăn rất nhiều dinh dưỡng vì biết cách lựa chọn thực phẩm và nấu nướng rất khoa học.

Hạnh phúc nhất là hằng ngày được nhìn thấy Sư Ông trong những buổi pháp thoại và cùng đi thiền hành. Ai cũng nhìn nhận ít thấy Sư Ông già, một phần chẳng bao giờ thấy tóc bạc, nếu không chỉ nghe tiếng nói khi Sư Ông giảng pháp thì không ai nghĩ rằng đó là giọng nói của một vị thiền sư còn ba bước nữa là chạm tuổi 90. Giọng Sư Ông còn rất khỏe, không hề bị hụt hơi, nói liên tục trên 2 tiếng đồng hồ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, chỉ ở xóm Trung là nói tiếng Việt, đó là điều xưa nay hiếm nên sư cô Chân Không nói: “Nếu ai hỏi tôi Sư Ông sống nhờ cái gì, tôi sẽ nói là nhờ pháp thoại”.

Sư Ông thời cơm cũng ít và ngủ cũng ít, làm việc lại nhiều thế mà thần sắc lúc nào cũng thanh thoát, đôi mắt trong sáng và thánh thiện, có một lực hút mạnh mẽ, khiến các Phật tử ngồi quanh Sư Ông đều nhìn Sư Ông bằng ánh mắt trìu mến và thương kính. Bảy mươi năm tu học của Thầy khiến đạo tâm tỏa ra trên từng bước chân, thanh thản, nhẹ nhàng như lướt mây mỗi khi đi thiền hành.

Cốc của Sư Ông ở xóm Thượng đơn sơ, mộc mạc.

H.1.Cốc của Sư Ông ở xóm Thượng. Ảnh CT

Lúc qua Đức ở trong tòa nhà 6 tầng, phòng Sư Ông cũng chỉ một chiếc giường sắt đơn độc, khi tiếp khách thì cả Thầy và trò đều ngồi dưới sàn nhà. Ngày làm biếng Sư Ông  tự giặt quần áo, tự  tay phơi xếp và tự nấu ăn. Sư cô Trân Nghiêm nói Sư Ông nấu ăn ngon lắm và Sư Ông thường mời đệ tử cùng dùng bữa.

Thế giới chọn sự phồn hoa còn Sư Ông chọn tận cùng của sự giản dị. Sư Ông nói pháp thoại ở xóm Trung 2 buổi, ngoài ra phải đi lên xóm Thượng, xuống xóm Hạ, xóm Mới… Đường đi đến các xóm đẹp tuyệt vời. Đường tuy dốc lên xuống nhưng nhiều đoạn đi trong bóng mát của những thân cây cao vút, hoặc đi ngang qua những cánh đồng trồng hoa hướng dương vàng rực cả bầu trời, đi qua những cánh đồng nho xanh mướt và thẳng tắp ở thân nho đã cho ra nhiều chùm chi chít quả, tưởng tượng đến ngày nho chín chắc là đẹp và hấp dẫn lắm. Nhiều cánh đồng trồng lúa mì bát ngát, lúc đầu cứ ngỡ là đồng hoang cỏ cháy, nhưng đến gần mới biết lúa mì đến thời kỳ thu hoạch, hạt tròn và cứng màu rơm rạ. Khi thu hoạch xong, người ta cuốn bằng máy những thân lúa này thành cuộn rất đều đặn và lớn như những bánh xe của những chiếc xe khổng lồ đang nằm rải rác trên cánh đồng, họ tích trữ để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Hoa Hướng dương trồng khắp nơi, để lấy hạt làm dầu ăn.

H.2.Nghiên nón bên Sư cô Chân Không bạt ngàn hoa Hướng dương

Ở vùng ngoại ô Bordeaux ngoài sự trù phú của đất đai, đây còn là nơi sản xuất rượu nho nổi tiếng. Nơi đây không khí trong lành, đường sá sạch đẹp khác với ở quê nhà vì ai cũng có ý thức giữ gìn.

Tuy nhà cửa ở rải rác quanh vùng nhưng họ tỏ ra thân thiện qua nụ cười tươi và những cái vẩy tay chào mỗi khi xe chạy ngang qua đường, chừng ấy chi tiết cũng đủ giới thiệu nền văn hóa của một đất nước. Có lần đi theo thầy Pháp Tịnh đi siêu thị Leclerc mua thực phẩm, đến quầy bánh mì hầu như vét hết bỏ lên xe đẩy, có nhiều người đến sau không có bánh, họ hỏi một câu không mấy vui vẻ: “C’est pour vous, madame?” nhưng khi trả lời: “ Non, c’est pour le village des pruniers” thì họ ồ lên, biểu lộ sự thông cảm và vui vẻ. Chứng tỏ họ có biết và có cảm tình với Làng Mai.

Thiền đường Nước Tỉnh, Cam Lộ, Ngàn Sao… rất lớn, nhưng đầy ắp người mỗi khi có pháp thoại. Người ngoại quốc từ các nơi tới, họ kính cẩn và thành tâm tu học. Họ dắt cả con cái đến, có cháu còn nằm trong xe nôi, hay mới biết đi chập chững. Có cả các cháu bị tật đi đứng không vững, có cháu bị tai nạn gãy tay vẫn được cha mẹ đem đi theo. Họ nói họ rất trông chờ ngày nầy: một năm về Làng họ có cảm tưởng giống như  được về thăm quê nội, quê ngoại vậy. Họ tu học tinh tấn, ngay các cháu nhỏ khi nghe chuông cũng đứng yên và theo dõi hơi thở.

Từ xóm Thượng xuống Sơn Hạ, đường khá xa và không bằng phẳng, thế mà sau khi pháp thoại xong, Sư Ông đi thiền hành xuống Sơn Hạ trong khi đệ tử của Sư Ông nhiều người đã mỏi gối chồn chân. Ở đây có một cái hồ rất đẹp và thơ mộng.

Con nghe nói có Nội viện Phương Khê., nhưng không biết đến khi nào mới có thể đi thăm được. Sư Cô trả lời: “Chừng nào không còn sợi tóc trên đầu”. Con ngộ ra và chỉ biết cười vì tự thấy mình còn quá nặng nghiệp làm sao được đến Nội viện Phương Khê - nơi chỉ dành riêng cho xuất sĩ.

Trong niềm vui vẫn có những giọt nước mắt. Bát Nhã bây giờ không còn nữa và chỉ còn trong hoài niệm, thế mà khi nghe các Sư cô hát bài về Bát Nhã, tự nhiên nước mắt con lại tuôn trào. Con tự trấn an nhưng không cầm lòng được. Hết ướt hai tay áo rồi đến khăn tay! Tưởng một mình con mau nước mắt, không ngờ các bạn cũng thế. Lúc gặp nhau các bạn nói: sáng nay em khóc quá trời, nước mắt đâu mà cứ tuôn ra hoài. Tưởng người Việt mình mau nước mắt, nhưng lúc gióng hồi chuông Bát Nhã chấm dứt khóa tu ở Làng, người Tây Phương cũng khóc.

H.3.Một nén hương kính bái nhà vua yêu nước Hàm Nghi (1871-1944). Ảnh CT

Những ngày ở Làng có một kỷ niệm khó quên là được thầy Minh Tuấn dẫn đi thăm lăng mộ Vua Hàm Nghi ở làng Thonac, Dordogne. Thấy ngôi mộ gia đình của nhà vua yêu nước quá đơn sơ khiến ai cũng ngậm ngùi.

Buổi chiều đi viếng thăm lâu đài De Losse của công chúa Như Mai (Nhu May) con gái trưởng của Vua Hàm Nghi. Bà rất yêu kính vua cha nên không lập gia đình để bà có thể luôn luôn giữ cung cách Princesse D’Annam (Bà Công chúa nước Nam) theo sự mong muốn của vua cha. Trong thư viết tay của Công Chúa Như Lý (Nhu Ly) tức Comtesse De La Besse (em Công chúa Như Mai - chủ nhân của lâu đài De la Nauche ở Vigeois) gởi cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề ngày 22 Juin 1999 có nói về công chúa Như Mai như sau: “Chị đã tốt nghiệp thủ khoa viện Nông Học Paris thế hệ 1925” (Elle était sortie major de l’institut agronomique de Paris, promotion 1925). Bà không hề có cái tên Nhữ Mây như nhiều người lầm tưởng. Chưa được về Việt Nam, Công chúa Như Mai thực hiện lời cha dạy phải làm một người phụ nữ Pháp tốt. Sống độc thân, Bà có cơ hội gần gũi với dân nghèo, giúp họ kỹ thuật phát triển Nông Lâm ở địa phương. Nhờ Bà mà nông dân khắp trong vùng trở nên giàu có. Họ biết ơn và rất quý trọng Bà. Nhờ thế mà Bà đã mua được tòa lâu đài De Losse ở đây và có được một khu đất dành riêng làm nghĩa trang cho gia đình vua Hàm Nghi ở Thonac.

H.4.Lâu đài De Losse xưa kia của CC Như Mai

Rồi cũng đến ngày kết thúc khóa tu ở Làng, ai cũng ngậm ngùi lưu luyến. Lúc chia tay tất cả đều mong muốn được gặp nhau lại.

Rời xóm Trung vào một buổi sáng sớm đầy giá lạnh. Chúng con  lên Paris bằng xe Bus. Đường dài hơn năm trăm cây số mà không ai thấy xa. Bỏi vì trong số người cùng đi trên xe có anh Cao Thái - người có làn hơi thiên phú, hát hò không ngớt, làm cho mọi người thích thú, quên hết mệt nhọc. Thời Sinh viên bọn con rất mê giọng hát Cao Thái, đặc biệt giọng Cao Thái với bài Mexico. Được gặp ca sĩ Cao Thái trong dịp sang Làng Mai nầy là một kỷ niệm khó quên.

Xe đến Paris khi trời chưa tắt nắng. Chúng con nghỉ qua đêm ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ để ngày mai đi xe sang Đức. Lúc đến Paris, anh Cao Thái cũng là người hướng dẫn và giới thiệu những đường phố nổi tiếng nơi anh đã từng đi hát rồi đi ngắm Bảo tàng Louvre, Khải Hoàn Môn, Tour Eiffel, mỗi nơi dừng lại chừng 10 phút. Mấy người trẻ còn lanh tay lẹ chân xuống chụp hình, còn người già ngồi yên một chỗ hoặc chỉ chụp hình qua kính cửa xe. Cách đây 10 năm (2002), Paris có một hấp lực mạnh mẽ đối với con, còn giờ này có lẽ do tuổi già, hoặc đã lắng lòng thanh tịnh nên đa phần đều muốn đi qua Đức ngay. Hơn nữa xe lớn rất khó di chuyển trong những phố cổ, có lúc tiến thoái lưỡng nan nên tất cả đều đồng tình thôi không tham quan nữa.

[..] Lúc đi ngang qua thành phố Koln (Cologne) của Đức trời mưa lất phất nhưng lúc đến Viện Phật học Ứng dụng thì trời tạnh ráo còn có chút nắng chiều. Đến nơi ai cũng mừng như vừa về đến nhà. Và mừng nhất khi thấy cơ ngơi rộng lớn bề thế của Viện.

Thầy trụ trì và các sư cô có mặt ở ngay ngoài cửa để chào đón và sắp xếp nơi ăn chốn ở cho mọi người. Viện Phật học Ứng dụng mới hoàn chỉnh được một phần năm (1/5) nên chỗ ở không ổn định được, khi có đoàn kiểm tra phòng ốc thì giường nệm phải thu xếp để trả lại phòng không, tối mới bày biện lại nhưng rất vui.  

H.5.Viện Phật học Ứng dụng nhìn từ trên cao, Ảnh Làng Mai

H.6.Đại chúng đến sau tham dự lễ khai mạc Viện Phật học Ứng dụng. Ảnh CT

Ở chung với bác Diệu Hiền nên lúc nào cũng ca hát. Ở đây đêm ngày như hội, ngoài những lúc đi nghe Pháp thoại của Sư ông thì các thầy tập múa võ, các sư cô tập múa hát, trình bày triển lãm nhiều đêm rộn ràng như 30 tết. Tất cả cho ngày khánh thành Viện Phật học Ứng dụng.

Làm sao quên được các Sư cô Hào Nghiêm, Triết Nghiêm, Sắc Nghiêm và nhiều cô nữa nhưng không thể nhớ hết tên, họ luôn luôn tươi tắn, vui vẻ. Các Sư cô người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, thoăn thoắt, luôn luôn nở nụ cười. Có những sư cô âm thầm làm việc trong bếp núc, có đêm thức đến 2g sáng làm bánh bao phục vụ đại chúng, ăn bánh mà nghẹn ngào, xúc động. Qua đây mới thấy sự tu tập của người Phương Tây rất nghiêm mật, họ tu hết lòng. Có một nhóm người Hòa Lan tình nguyện qua đây chỉ để đi làm vệ sinh, ngày nào cũng bắt gặp họ xúc rác đi đổ và chùi nhà vệ sinh nhưng luôn vui vẻ, tươi cười. Ở Làng khi thấy các cháu trai, trưa chiều chùi soong chảo to bự đã thấy phục rồi, bây giờ bắt gặp những người này thật là một bức tranh lao động tuyệt vời. Ấn tượng nhất là hai vợ chồng chị Tố Lan và anh John (người Đức) họ tham dự khóa tu ở Làng tích cực nổi bật nhưng khi qua Đức lại thấy năng nổ làm việc hết mình, giữa trưa nắng vẫn thấy hai ông bà quét dọn, mới 4h30 sáng chị Lan đã đến phòng nói anh John thức em dậy lúc 4g sáng để đi giải quyết vụ nước mã, mỗi sáng họ chỉ lấy 2 thùng, hiện nay còn tồn lại 6 thùng nữa nên em đi thương lượng sợ để lâu bốc mùi. Chị nói với họ thế nào không biết mà họ mang đi hết và biếu tiền họ không lấy. Toàn gương người tốt việc tốt.

Có một hình ảnh đáng nhớ là một ông người Đức cụt 2 chân, ngồi xe lăn, thế mà hầu như ngày nào ông cũng có mặt. Không thấy ông nói năng chuyện trò với ai cả, thế mà ở nơi đâu ông cũng có mặt. Ông lặng lẽ lăn xe đi khắp những nơi nào có đông người. Lúc mọi người đi lấy thức ăn trưa thì ông về nhà ăn cơm, mới lấy xong thức ăn đã thấy ông hiện diện, có lẽ ông cũng chọn nơi này làm ngôi nhà thứ hai của mình chăng! Cho nên trong buổi lễ khánh thành Viện Phật học Ứng dụng, ông Thị Trưởng đã cám ơn Sư Ông và xem Sư Ông như một vị Bồ Tát đã cứu độ vùng này. Từ một nơi nghèo nàn, buồn tẻ, u uất bởi lẽ nơi đây theo Tài liệu của Làng Mai cho biết :“Người ta vẫn còn thấy được hình ảnh điêu khắc lưu lại từ thời Đức Quốc Xã. Nơi đây đã từng là một bệnh viện, và những người Đức Quốc Xã đã từng mang đi từ đây và giết hại cả 700 người khuyết tật. Tòa nhà vẫn còn in lại dấu tích nặng nề ấy của lịch sử”. Nhân lễ khánh thành Viên Phật học Ứng dụng[*], thân nhân của những người đã mất đã làm hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc gởi đến trong ngày khai mạc Viên Phật học Ứng dụng để tưởng nhớ những người thân.

H.7.Hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc tưởng nhớ những người Đức đã bị giết. Ảnh CT.

H.8.Thiền sư Nhất Hạnh và ông thị trưởng TP.Waldbroel tại lễ khai mạc Viên Phật học Ứng dụng (23-8-2012)- Ảnh: Làng Mai

H.9.Đại chúng Việt Đức trong buổi lễ khai mạc . Ảnh CT

Bây giờ nơi đây đã trở nên đông vui, tấp nập đem lại sinh khí cho cả vùng. Một ngày lễ trọng đại như thế nhưng trên hàng ghế không thấy Sư Ông mà chỉ thấy quan khách, thì ra Sư Ông đã ngồi bệt trên thảm cỏ cùng với đại chúng, một sự bình dị đến lạ lùng. Trong buổi lễ nhiều người Đức  đã khóc vì quá xúc động những giọt nước mắt của hạnh phúc lăn dài trên má. Con cũng khóc khi thấy các Sư cô múa (diễn tả bằng điệu bộ) cảnh Bát Nhã chia tay, để đi bốn phương thì có nghe tiếng thầy cô nào đó nói: “Đó cô Tú khóc rồi, khóc chi cô Tú, mình mất một mà được mười khóc chi”. Thật sự là vậy nhưng không sao kiềm chế sự xúc động. Rồi cũng đến giờ phút chia tay, người đi kẻ ở không sao tránh được sự bùi ngùi thương nhớ.

Rời Viện Phật học Ứng dụng lúc 4g chiều để lên Koln đi tàu hỏa về Paris lúc 10g đêm rồi phải đi tiếp 2 chuyến métro, xong đi xe mới về đến Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở nơi Noisy - le - Grand lúc 12g khuya, Đi chuyến Métro cuối cùng trong đêm nên khá nhiều phức tạp, người đứng kẻ ngồi, xì-ke ma túy cũng có, trộm cắp chực chờ nên cảnh sát phải đi tuần tra để giữ an ninh, ba bốn người lực lưỡng đồng phục đen, súng ống, đạn dược, dắt quanh mình thấy phát khiếp.Thế mà hai Sư cô Doãn Nghiêm, Quãng Nghiêm như hai bông hoa, tươi tắn, vui vẻ. Nhìn hai cô như có sự trấn an cho nỗi lo lắng của những lữ hành có tuổi. Sau chuyến đi vất vả, đêm đó ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.

Ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ cả thảy 3 đêm 2 ngày nhưng đã gây những ấn tượng sâu đậm về sự nồng nhiệt và chu đáo của quý sư cô. Sư trưởng Giác Nghiêm lúc nào cũng nhẹ nhàng và tế nhị. Lúc ở Làng, Sư trưởng đã lái một chiếc xe lớn để chở được nhiều người, đi dọc đường thấy ai có tuổi lại mời lên xe, lúc nào cũng cười tươi dễ mến. Sư Gia Nghiêm thì gần gũi và hay đùa, Sư cô là công chúa Lào nhưng Sư nói không phải chỉ là “canh chua”. Trong đêm cuối ở Thiền đường để ngày mai về lại Việt Nam, bên ánh nến lung linh, con đã hát tặng Sư trưởng Giác Nghiêm bài “La Chanson du retour triomphal” bởi con xem chuyến đi hành hương về Làng như một khúc ca khải hoàn. Trọn vẹn niềm an lạc, hạnh phúc.

H.10.Trìu mến trước giờ chia tay Sư cô trưởng Giác Nghiêm

Lúc chia tay, Sư trưởng Giác Nghiêm có hỏi con: “Nhà em ở đâu?” Con trả lời: “Dạ ở Việt Nam”. Sư lại hỏi “Ở đâu trên đất Pháp này?”. Con vẫn trả lời một cách máy móc: “Dạ con không có nhà ở Pháp”. Con vẫn hồn nhiên, không suy nghĩ bởi trong con còn nặng đầu óc tư hữu. Khi Sư trưởng chỉ: “Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là nhà của em đấy!” Con đã xúc động và đã đánh thức ngôi nhà tâm linh ở trong con. Ngoài gia đình riêng, con còn có một gia đình tâm linh rãi khắp nơi trên thế giới, một tình huynh đệ bao la, chan chứa để cho con nương tựa. Ôi hạnh phúc biết bao!

Từ ngày con theo Sư Ông, con đã thoát được thân phận người cùng tử, biết trân quý giây phút hiện tại, biết trân quý những báu vật mà trời ban cho mà trước đây có lúc con đã dững dưng, thờ ơ.

Những ngày tháng được hưởng sự an lạc và hạnh phúc chóng qua nhưng con vẫn nuôi dưỡng năng lượng trong từng ngày, từng giờ của những năm tháng tiếp nối.

Những điều con muốn nói còn nhiều nhưng cũng không cho phép con được nói nhiều hơn nữa. Con xin chân thành biết ơn Sư Ông, Sư cô Chân Không, quý thầy, quý Sư cô ở Làng Mai, ở Viện Phật học Ứng dụng ở Đức, ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã tận tình giúp đỡ về vật chất, tinh thần để con có được một chuyến đi để lại dấu ấn đời đời. Kính chúc đại gia đình tâm linh dồi dào sức khỏe, để phụng sự Đạo pháp.

Vô cùng thương quý!                                                                       

Huế, cuối Đông 2012

Chân Thái Lãm Võ Thị Cẩm Tú

 


[*] Viện phật học ứng dụng châu Âu (European Institute of Applied Buddhism)
Địa chỉ: Germany, tiểu bang Nordrhein - Westfalen, thành phố Waldbröl,
Schaumburgweg 3 - 51545.
Cơ sở vật chất của Viện Phật Học là một dinh thự 4 tầng (ba tầng lầu, một tầng trệt, một tầng hầm). Thiền viện có trên 100 phòng, Diện tích sử dụng 16.000m2, Vườn 5 hecta. Khai trương ngày 12 tháng 9 năm 2008.
Giám đốc điều hành thiền viện: Thiền sư Thích Chân Pháp Ấn.
Học viện Waldbröl rộng mở cho tất cả mọi người có hoặc không có tôn giáo. Để thực tập thiền, người ta không cần phải là Phật tử.(Theo tài liệu của Làng Mai)

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008