Thiền
Định Là Gì?
Nguyên
tác Fabrice Midal
Hoàng Phong
chuyển ngữ
Hỡi
những ai mong muốn bảo vệ tâm thức mình!
Với đôi
bàn tay chắp lại,
tôi xin
được khuyên họ một lời này:
Hãy cố
gắng,
giữ cho
sự chú tâm và cảnh giác luôn thật mạnh,
bằng tất
cả nghị lực của chính mình.
Tịch Thiên (Shantideva)
Luyện tập thiền định là gì?
Lợi ích mang lại từ sự chú tâm là một trong những khám phá kỳ
diệu nhất của Đức Phật. Sự chú tâm là một phương
thuốc nhằm điều trị mọi thứ bệnh tật của chúng
ta. Đấy là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của
Giác Ngộ.
Thiền trong Phật Giáo không có nghĩa là suy tư về một thứ gì
hay mổ xẻ một chủ đề nào cả, mà đúng hơn là cách
giúp chúng ta quán thấy ý nghĩa của thực tại
trong sự toàn vẹn của nó. Lời khuyên sau đây
thật hết sức giản dị : "Hãy sử dụng tâm thức
mình để quan sát tâm thức của chính mình".
Đấy cũng chính là sức mạnh mầu nhiệm nhất của sự
chú tâm. Nếu giữ được sự cảnh giác trước các
biến cố xảy ra thì chúng ta cũng sẽ vượt thoát
khỏi sự chi phối của chúng dễ dàng hơn. Mỗi khi
cảm thấy bực dọc thì không nên tìm cách để lẫn
tránh nó, cũng không nuôi dưỡng nó hay ra sức để
mà tìm hiểu nó. Tốt hơn là chỉ nên chú tâm theo
dõi xem nó xuất hiện, tồn tại và biến mất như
thế nào. Đấy là cách giúp chúng ta thâm nhập vào
bản chất sâu kín nhất của nó để biến cải nó.
Quả thật không mấy khi khái niệm về sự chú tâm được nêu lên
trong thế giới Tây Phương, ngoại trừ bởi vài học
giả thật hiếm hoi chẳng hạn như nữ triết gia
Simone Weil. Theo bà thì chúng ta không hề nhìn
thấy vai trò đích thật của ý chí trong sự hiện
hữu của chính mình, mà chỉ xem đấy như là một
thứ nỗ lực, một sự cố gắng gần như là máy móc để
chủ động hiện thực: "Nếu chỉ biết gồng mình,
cắn răng lại cho thật chặt để thực thi đạo đức,
để làm thơ hay là để tìm kiếm một giải pháp nhằm
gỡ rối cho một vấn đề nào đó, thì quả thật chẳng
có gì lại có thể ngu ngốc hơn thế được? Sự chú
tâm nào có dính dáng gì đến các thứ ấy".
Tại nơi thâm sâu nhất của sự chú tâm đã có tiềm ẩn sẵn một sự
chấp nhận nào đó mang tính cách mặc nhiên giúp
chúng ta tiếp cận trực tiếp với những gì hiển
hiện ra và không thắc mắc gì cả
(sự chú tâm giúp chúng
ta chấp nhận hiện thực hiển hiện ra như thế một
cách thật "tự nhiên" và "hợp lý").
Tìm cách để hiểu biết thì cũng chẳng khác gì là một sự tránh
né (tìm hiểu tức có
nghĩa là phân tích một thứ gì thuộc bên ngoài
chúng ta và khác với chúng ta). Một
hình thức tự tránh ra xa. Con đường thì trái lại
là một phương tiện giúp chúng ta đạt được một sự
tiếp cận nào đó. Trở thành người Phật tử là một
chuyện thật hết sức đơn giản: chỉ cần biết tiếp
cận với những gì hiển hiện ra như thế, không tìm
cách loại bỏ chúng và cũng không cố gắng nắm bắt
lấy chúng (trở về
với chính mình và hòa nhập với hiện thực là cách
giúp mình trở thành một người Phật tử).
Tại sao lại luyện tập thiền định, nó mang lại
cho ta những lợi ích gì?
Thiền định mang lại sự an lạc, chữa lành các bệnh tật của
tâm thức và điều dưỡng cho thân xác.
Thiền định đưa chúng ta trở về với thực tại, giúp chúng ta hòa
nhập trong từng giây phút một với các kinh
nghiệm cảm nhận của chính mình trong cuộc sống.
Đấy cũng là cách giúp chúng ta thoát ra khỏi sự
kiềm tỏa của các phản ứng tự động và máy móc của
tư duy, luôn liên kết với nhau để trói buộc
chúng ta. Sự sống của chúng ta thật ra chỉ là
một sự sinh tồn máy móc, điều khiển bởi các phản
ứng tự động (sự sống
ấy thật ra chỉ là một chuỗi dài các phản ứng tự
động, chi phối bởi bản năng và các xu hướng sẵn
có - tức là nghiệp - khiến cho chúng ta không
còn kịp suy nghĩ hay xét đoán gì nữa cả mà chỉ
biết giao phó cho các phản ứng quy ước và hời
hợt của tư duy điều khiển mình một cách máy móc);
thiền định trái lại tập cho chúng ta biết trở về
với thực tại và những gì mà chúng ta cảm nhận
được. Sự trở về với chính mình sẽ mang lại cho
ta một niềm an lạc vô biên. Chúng ta sẽ khám phá
ra được một thể dạng thật đơn sơ, một thể dạng
tự nhiên là như thế, nó không cần phải dựa vào
bất cứ gì để mà hình thành
(nào có gì lại có thể
hiển hiện ra một cách giản dị và đơn sơ hơn hiện
thực được: nó chỉ là như thế!).
Rất nhiều y sĩ và khoa học gia đã chứng minh cho thấy là thiền
định có khả năng làm nhẹ bớt đi các chứng căng
thẳng thần kinh và lo âu quá đáng và chữa lành
được nhiều thứ bệnh phát sinh từ tình trạng trầm
cảm.
Thiền định giúp mình tự biến cải một cách tích cực, nhìn
thấy được nỗi khổ đau riêng tư và vượt lên trên
những nhầm lẫn của chính mình.
Thiền định là cách giúp chúng ta trực tiếp quan sát các kinh
nghiệm cảm nhận của chính mình. Nhờ đó chúng ta
sẽ khám phá ra là các kinh nghiệm cảm nhận ấy
luôn biến động, khi thì rất mù mờ, thế nhưng
cũng có lúc thì khá minh bạch. Thật thế, khi thì
chúng ta nổi nóng, khi lại ganh tị, lại cũng có
lúc chúng ta tập trung được sự chú tâm. Tuy
nhiên thông thường thì chúng ta nào có để ý làm
gì đến các thứ mà chúng ta đang cảm nhận được
hay đang suy nghĩ đâu. Tư duy và các kinh nghiệm
cảm nhận cứ thế mà sinh ra, tồn tại được một lúc
rồi biến mất.
Theo quan điểm của Phật giáo thì tư duy được hình thành một
cách rất công thức dựa vào các ngôn từ hiển hiện
ra trong đầu mình, để mà buộc chặt mình với
chúng (tư duy được
công thức hóa xuyên qua các ngôn từ quy ước,
chúng điều khiển các hành động của chúng ta một
cách máy móc); chúng liên tục hiển
hiện và che khuất tâm thức của chúng ta khiến
chúng ta không còn nhìn thấy thế giới một cách
minh bạch được nữa
(nhìn thế giới xuyên qua các tư duy đã được công
thức hóa). Đấy chỉ là các thứ tư duy
không được đúng thật bởi vì tư duy đúng thật
luôn mang tính cách trực tiếp và tự phát
(có nghĩa là không bị,
hoặc trước khi bị công thức hóa),
biểu lộ qua một cử chỉ, một ngôn từ nào đó. Nói
cách khác thì Phật Giáo xem tư duy đúng thật
chính là thực tại, tư duy ấy khác hẳn với các tư
duy khác (luôn bị
chi phối bởi quy ước và điều khiển bởi bản năng)
chỉ nhằm tách rời chúng ta ra khỏi hiện thực.
Đôi khi chúng ta cũng mang trong trí những thứ tư duy thật dai
dẳng tương tự như một sự ám ảnh, thí dụ: "Chẳng
ai hiểu tôi cả"; "Tất cả mọi sự cứ theo
nhau mà xảy đến với tôi thật tệ hại"; "Tôi
chỉ là một tên vô dụng"; "Tôi chán ghét
tôi vô cùng"; "Tôi chỉ là một đứa vô tích
sự"; "Hắn là một tên quá hung ác và tôi
thì chỉ muốn tìm cách làm thế nào để trả thù"...
Thiền định chính là cách tập cho chúng ta biết
quay trở về với thể dạng tâm thức không tự nhận
diện mình qua các thứ tư duy đại loại như trên
đây. Chẳng hạn như thay vì cho là mình đang bị
sự giận dữ đày đọa khiến cho mình trở nên hung
dữ thì chỉ nên đơn giản
(đứng ra xa để mà)
quan sát nó thế thôi
(tức theo dõi và quan
sát sự giận dữ và không hề xem sự giận dữ là của
mình hay là chính mình).
Thiền định giúp chúng ta mở rộng lòng mình để đón nhận một
thể dạng tâm linh đích thật và để tận hưởng các
kinh nghiệm cảm nhận về thực tại cũng như một
tình thương yêu vô điều kiện
Thiền định cũng là một con đường tu tập tâm linh. Mục đích của
nó là giúp chúng ta buông bỏ tham vọng muốn chủ
động được mọi thứ, hầu giúp chúng ta biết mở
rộng lòng mình để đón nhận một thực tại to rộng
hơn so với cái tôi nhỏ bé và đầy lo âu của chính
mình. Đấy cũng chính là cách giúp chúng ta buông
bỏ quyết tâm chỉ biết nghiền ngẫm về các tham
vọng riêng tư của mình, hầu giúp mình có thể tìm
thấy được sự thanh thản trong một không gian
rộng mở đầy sinh khí và nhiệt tình.
Tất cả các vị thánh nhân và các nhân vật thần bí dù thuộc vào
bất cứ một dân tộc nào, nếu muốn nâng cao giá
trị của mình lên thì cũng đều phải dựa vào một
sự hậu thuẫn liên quan đến thiền định. Sự hậu
thuẫn ấy không nhất thiết chỉ thuộc vào bối cảnh
cá biệt của Phật Giáo. Nó cũng đã được học phái
Sufi (soufisme /
sufism hay Ahl al-soufa) của Hồi Giáo
và một số học phái Ki-tô Giáo cũng như một số bộ
tộc thổ dân của lục địa Mỹ Châu thực hành. Căn
bản thiền định ấy chỉ đơn giản là như thế. Thế
nhưng thật ra đấy lại là một cách khám phá ra
không gian rộng mở của tình thương yêu, giúp
chúng ta vượt lên trên mọi sự trói buộc.
Nếu nhìn từ khía cạnh đó và một khi thiền định được giảng dạy
thật đầy đủ và đúng đắn thì đấy sẽ là một phương
tiện giúp trực tiếp mang lại cho chúng ta một
cuộc sống tâm linh đúng nghĩa của nó. Con đường
ấy đòi hỏi chúng ta phải có một sự quyết tâm nào
đó nhằm tháo gỡ cái mặt nạ của chính mình và
loại bỏ mọi thứ ảo giác, hầu giúp chúng ta đối
đầu với mọi chướng ngại có thể cản trở sự mở
rộng của tâm hồn mình.
Vậy sự chú tâm là gì?
Sự chú tâm là một luồng ánh sáng soi rõ những gì mà nó rọi
vào. Khi chúng ta chú tâm vào hơi thở thì tình
trạng xao lãng thường chi phối chúng ta cũng sẽ
tan biến hết, hơi thở theo đó cũng trở nên êm
dịu khiến chúng ta cảm thấy thanh thản hơn.
Mục đích của thiền định là nhằm phát huy sự chú tâm và giữ cho
sự chú tâm đó không rời khỏi đối tượng được quan
sát. Thí dụ tôi không nhìn vào hơi thở của tôi
mà tôi trở thành hơi thở của chính tôi.
Thiền định không phải là một sức mạnh cá biệt của tâm thức mà
đúng hơn là bản chất của chính tâm thức. Tâm
thức là một khả năng giúp chúng ta hợp nhất với
những gì mà chúng ta quán xét. Tôi cắn một miếng
táo. Sự chú tâm của tôi hòa nhập tôi với hương
vị của miếng táo.
Tính cách nhị nguyên mà chúng ta thường tạo dựng ra như là một
thứ ranh giới nhằm phân cách người quan sát và
vật thể được quan sát - tức giữa chủ thể và đối
tượng, hay là giữa ta và người khác - sẽ biến
mất khi chúng ta phát động được sự chú tâm.
Muốn thiền định thì phải làm thế nào?
Thiền định là cách giữ thân xác, hơi thở và tâm thức của mình
luôn an trú trong hiện tại.
Nói một cách tổng quát thì chúng ta có thể tự xem mình là nơi
hội ngộ giữa thân xác và tâm thức của chính mình.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý là hình ảnh tạm mượn
trên đây không phải là một khái niệm của Phật
Giáo (vì Phật giáo
không xem tâm thức là một thực thể khác với thân
xác), do đó một người Phật tử không
được xem thân xác độc lập với tâm thức mà chỉ
nên xem hơi thở đảm nhiệm một vai trò trọng yếu
hơn trong việc chuyển tải sự sống và giúp cho
chúng ta trở nên sinh động.
Phải chọn một tư thế ngồi thật đúng
Ngồi không phải chỉ có nghĩa là một động tác riêng rẻ của thân
xác mà liên quan đến toàn diện con người của
mình.
Trước hết bạn hãy ngồi xuống. Sau đó thì hình dung ra hình ảnh
của chính mình đang ngồi thật vững vàng trên mặt
đất của địa cầu này.
Thân xác bạn biểu trưng cho một sự kết hợp giữa địa cầu và bầu
trời cao, và con tim của bạn là chiếc vương miện
của một vị đế vương. Hãy đặt chiếc vương miện
của con tim bạn trở về đúng chỗ của nó
(trên đầu mình).
Sau đó thì hãy hình dung chiếc vương miện nằm uy
nghi tại vị trí thật hoàn hảo ấy và đón chào nó.
Đấy là cách tự đặt mình vào một tư thế sẵn sàng
để đón nhận bầu không gian của thực tại. Hãy cố
gắng hòa nhập vào cái thể dạng hiện hữu đang
phát động một cách tự nhiên ấy
(không cần kêu gọi đến
một sức mạnh thiêng liêng nào cả).
Nhìn theo khía cạnh đó thì chỉ riêng tư thế ngồi
cũng đủ để biểu trưng trọn vẹn cho toàn thể giáo
huấn (tư thế ngồi
không những chỉ liên hệ với thân xác mà còn phản
ảnh thể dạng tâm thần của mình nữa, sự liên kết
đó giữa thân xác và tâm thức qua thế ngồi sẽ
giúp buộc chặt sự hiện hữu của mình vào thực tại
- tức đang ngồi thật vững chắc trên mặt đất này
- và đấy cũng chính là nền móng căn bản nhất của
giáo huấn nhà Phật).
Tùy theo học phái mà các lời hướng dẫn về phương pháp thiền
định cũng có đôi chút khác biệt, tuy nhiên tất
cả đều xem trọng việc chuẩn bị cách ngồi như thế
nào để có thể giúp người hành thiền hòa nhập vào
thân xác của mình và giữ cho thân xác đó luôn
thẳng đứng và trang nghiêm
(tư thế ngồi rất quan
trọng vì nó sẽ phản ảnh thể dạng tâm thức của
người hành thiền. Khi nhìn vào một người lão
luyện đang ngồi hành thiền thì cũng có thể hình
dung ra thể dạng tâm thần hay mức độ "nhập định"
của người ấy. Tư thế ngồi của họ vững vàng như
một trái núi, toàn thân tỏa ra một sự thanh
thản, tĩnh lặng và trang nghiêm có thể khiến cho
chúng ta phải bàng hoàng và kính phục).
Nếu bạn muốn ngồi đúng theo tư thế trên đây thì phải giữ lưng
cho thật thẳng đồng thời vẫn giữ được sự thoải
mái. Cách ngồi đó sẽ giúp bạn cảm thấy được sự
"vững chắc" và "thẳng đứng" của lưng liên hệ mật
thiết với sự "mềm mại" và "mở rộng" của lồng
ngực - đấy là một cách biểu trưng cho sự kết hợp
giữa nghị lực giúp mình nhìn thẳng vào những gì
là như thế và sự mong manh
(của nhịp thở nơi lồng
ngực) giúp mình trở nên mềm mại hơn.
Điều quan trọng là bạn phải giữ cho thân xác luôn thư giãn.
Tùy theo học phái, hai chân có thể tréo vào nhau
theo tư thế hoa sen hay bán già, hoặc chỉ cần
ngồi với hai chân gập lại cũng đủ. Tuy nhiên
cũng có thể ngồi trên ghế - cách ngồi này cũng
tốt thế nhưng phải giữ lưng thật thẳng và không
được tựa vào lưng ghế
(muốn cho thế ngồi được
thoái mái và vững chắc thì cần phải có một "tọa
cụ", tức là một cái gối hình tròn, vuông hay bán
nguyệt, nhồi bông, bề dầy có thể gia giảm tùy
theo từng người, đôi khi phải mất rất nhiều thời
gian để điều chỉnh bề dầy của tọa cụ sao cho
thật thích hợp với mình. Cũng xin mạn phép nêu
lên một chi tiết nhỏ khác là các người hành
thiền trong các học phái Zen đều có những chiếc
tọa cụ may đúng theo quy tắc, vải bằng chỉ sợi
thiên nhiên, nhuộm bằng màu lấy từ vỏ cây, tọa
cụ độn bằng các vật liệu thiên nhiên như bông
gòn, rơm, hoặc các loại hạt phơi khô... Tuy
nhiên người mới tập có thể dùng bất cứ gì để
ngồi, chẳng hạn như gối nằm hay một vật gì khác,
mục đích là mông và hai đầu gối tạo ra ba điểm
tựa giữ cho thế ngồi được vững chắc).
Dù sao thì bạn cũng không nên quá quan tâm hay lo lắng. Tư thế
ngồi chưa phải là toàn bộ kỹ thuật tập luyện,
đấy chỉ là một cách "loan báo" trước thế thôi.
Ngồi thật đúng cách cũng là để biểu lộ quyết tâm
của mình nhằm giữ cho thân người luôn được thẳng,
linh hoạt và không ngủ gục. Chọn cho mình cách
ngồi như thế cũng có nghĩa là bắt chước theo
hình ảnh nhập định của Đức Phật. Một cách để trở
thành Phật. Dù sao thì đấy cũng không phải là
một phương tiện nhằm mong cầu đạt được một thứ
gì cả. Tư thế ngồi thiền tự nó chỉ có nghĩa là
sự tu tập. Có thể ví tư thế ngồi là một quả núi
mà người hành thiền có thể tìm thấy nơi đó một
chỗ ẩn cư thuận lợi, dù là họ đang phải sống
trong bất cứ một bối cảnh nào.
Sau khi ngồi xong thì tập thở!
Sau khi chuẩn bị xong cho tư thế ngồi thì bạn hãy bắt đầu chú
tâm vào hơi thở và sự chú tâm phải thật vững
vàng, dù sao thì đấy cũng không có nghĩa là phải
gồng mình lên mới theo dõi được hơi thở. Có thể
ví sự chú tâm như một chiếc neo giúp cho mình
khỏi bị trôi dạt đi nơi khác. Cứ để cho không
khí thâm nhập vào cơ thể mình, khiến cho bụng
căng phồng và làm nở rộng lồng ngực, và sau đó
thì cứ để cho không khí tự nhiên trở ra và tan
biến vào không gian. Không khí thâm nhập vào bạn
và buộc chặt bạn vào mặt đất này, nó lưu chuyển
xuyên qua thân xác bạn và sau đó thì ra đi. Bạn
không nên tìm cách giữ lại một thứ gì cả. Không
đặt ra thêm một thứ gì cả. Chỉ cần xem đấy là
như thế.
Sau hết thì phải giải quyết thế nào với các ý nghĩ của
mình?
Tất nhiên là không thể nào tránh khỏi các thứ ý nghĩ và xúc
cảm đến viếng thăm bạn, kể cả trường hợp chúng
có thể tràn ngập tâm thức bạn. Thế nhưng chủ
đích của phép thiền định là không nhằm vào việc
xô đuổi chúng mà đúng hơn là chỉ tìm cách để
quan sát quá trình xuất hiện và biến mất của
chúng. Thật hết sức quan trọng phải ghi nhớ điều
này.
Không có gì sai lầm hơn khi cho rằng luyện tập thiền định là
cách giúp tạo ra cho mình một thể dạng không còn
ý nghĩ gì trong tâm trí mình nữa. Thật thế,
thiền định không phải là một phương tiện giúp
mình đạt được một thành tích nào cả!
Tất nhiên là đôi khi chúng ta cũng có thể cảm thấy không được
vừa ý lắm với các kết quả mang lại hoặc cũng có
thể là hoàn toàn thất vọng sau khi nhận ra trong
suốt buổi hành thiền mình chỉ thấy hiện ra toàn
là những thứ chuyện tào lao vô tích sự, chúng
liên tiếp thay nhau diễn ra trong tâm thức mình.
Chủ đích của việc luyện tập là giúp thiết lập
một mối tương quan đúng thật giữa chính mình và
thực tại, thế nhưng trên thực tế thì mình lại
vướng vào một cuộc phiêu lưu bất tận! Tuy nhiên
cũng nên hiểu rằng luyện tập thiền định chính là
cách giúp mình tiếp cận với thực trạng trên đây
mà không bình luận gì cả
(theo dõi sự vận hành
của tư duy nhưng "dửng dưng" không diễn đạt
hay phát lộ một xúc
cảm nào dù đấy là vui hay buồn, chỉ quan sát các
tư duy hiện ra và biến mất đi, chúng không phải
là mình, cũng không phải là của mình).
Phép luyện tập ấy thật đơn giản và dễ thực hiện. Ngoài sự chú
tâm ra thì không có một mục đích nào khác hơn
cần phải đạt được. Nhất thiết chỉ cần mở rộng
lòng mình để tiếp đón bầu không gian biểu trưng
cho sự hiện diện của mình và của thế giới mỗi
khi chúng hiện ra thế thôi.
Thế nhưng tại sao phép luyện tập ấy lại khó thực
hiện đến thế?
Nguyên tắc luyện tập thiền định tuy có vẻ đơn giản thế nhưng
cũng khá khó. Thật thế, thiền định không giống
như tập thể dục mà thật ra là một phương pháp
toàn vẹn giúp cải biến tất cả những gì có thể
làm phương hại đến bầu không gian sâu rộng của
sự sống.
Đôi khi chúng ta cũng muốn đem ra thực hành những gì đã học
được trong sách vở, thế nhưng khi bắt tay vào
thì lại dễ thối chí.
Chúng ta chỉ muốn có kết quả ngay tức khắc. Sự kiện này cũng
dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta đều là nạn nhân
của cuộc chạy đua nhắm vào hiệu quả và xu hướng
hưởng thụ tối đa, cũng như của tình trạng thiếu
kiên nhẫn đang lan tràn khắp nơi ngày nay. Thiền
định trước hết là một nghệ thuật sống, thế nhưng
ngày nay thì cái nghệ thuật ấy đã biến mất trong
thế giới Tây Phương
(thật ra thì nó cũng đã biến mất trong thế giới
Đông Phương khi cái thế giới này chỉ biết nhìn
vào lý tưởng và các giá trị vật chất của các xã
hội Tây Phương). Thiền định luôn đòi
hỏi phải kiên nhẫn và quyết tâm.
Thiền định cắt đứt cội rễ của lòng tham chỉ mong sao cho mọi
sự xảy ra thật dễ dàng, thí dụ như khi bật đèn
thì ánh sáng phải tỏa ra ngay tức khắc. Nếu chỉ
biết nhìn mọi sự theo cách đó thì bạn sẽ chẳng
bao giờ có thể trở thành một người hành thiền
thành thạo được và cũng sẽ chẳng chủ động được
một thứ gì cả. Có phải mỗi ngày khi dọn cơm thì
chúng ta lại phải bày biện bát đĩa hay không? Có
phải mỗi ngày chúng ta lại phải đối đầu với đủ
mọi thứ xao lãng và các lầm lỗi của mình hay
chăng? Chúng ta chỉ có thể thăng tiến trên con
đường thiền định khi nào đủ sức tự biến cải mình
nhanh hơn ảnh hưởng chi phối bởi mọi thứ hoang
mang. Thật hết sức quan trọng không được xem các
thứ hoang mang ấy như là các trở ngại cần phải
loại bỏ mà nên xem chúng là những cơ hội nhằm
giúp mình gia tăng gấp đôi sức mạnh của sự chú
tâm trong cuộc sống.
Thật lạ là giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ. Khi mới khởi sự
luyện tập thì tình trạng tâm thần của mình
thường chưa đủ sáng suốt, và cũng chính vì thế
nên chúng ta nhận thấy dễ dàng hơn các hiệu quả
mang lại, kể cả một sự tỉnh táo nào đó. Thế
nhưng càng luyện tập thì chúng ta lại càng thấy
hiện ra các khó khăn tinh tế hơn, do đó chúng ta
cũng sẽ phải khéo léo hơn để có thể loại bỏ được
chúng. Nhờ thế chúng ta cũng sẽ biết sử dụng
việc luyện tập thành thạo hơn để bảo vệ mình
trước những thứ gai góc của thực tại. Nếu nhìn
theo góc cạnh đó thì chúng ta cũng sẽ hiểu được
dễ dàng tại sao thiền học Zen lại khuyên người
hành thiền phải luôn giữ "tinh thần của một
người mới tu tập".
Riêng tôi thì tôi rất thích câu chuyện sau đây của thiền sư
Shunryu Suzuki, một trong số các vị thầy lớn
nhất của thế kỷ XX (xin
chú ý Shunryu Suzuki, 1904-1971, không phải là
Daisetz Teitaro Suzuki, 1870-1966, thế nhưng
người ta lại thường hay nhầm lẫn giữa hai vị này,
khiến đôi khi Shunryu Suzuki phải thốt lên: "Tôi
nào có phải là vị Suzuki vĩ đại đâu, tôi chỉ là
một tên bé tí"). Câu chuyện như sau,
có bốn con ngựa khác nhau, một con thật xuất
sắc, một con khá tốt, một con trung bình và một
con thật tệ. Con ngựa giỏi nhất thì phóng nước
đại một cách dễ dàng. Nó đoán trước được ý nghĩ
của người kỵ mã trước khi nhìn thấy bóng của
chiếc roi ngựa đưa lên. Con thứ hai thì cũng
phóng nhanh như con trước và phản ứng trước khi
chiếc roi chạm vào người nó. Con thứ ba thì chỉ
phóng khi nào ngọn roi quất vào da thịt nó và
làm cho nó đau điếng. Con thứ tư thì chỉ phóng
khi nào sự đau đớn bắt đầu ăn sâu vào xương tủy
của nó…
Khi nghe câu chuyện trên đây thì có lẽ tất cả chúng ta đều
mong được như con ngựa thứ nhất, hay ít ra thì
cũng phải được như con thứ hai. Thế nhưng nếu
mong muốn được như thế trong khi luyện tập thì
quả chúng ta không phải là người khôn ngoan. Đối
với việc luyện tập thì con ngựa tệ nhất lại là
con ngựa xuất sắc nhất. Chính sự khiếm khuyết
của bạn mới đúng là những gì sẽ giúp bạn bước
vào con đường một cách vững chắc nhất. Thói
thường những người gặp nhiều khó khăn khi luyện
tập lại chính là những người sẽ tìm thấy ý nghĩa
sâu xa nhất trong việc tu tập của mình.
Dù có gặp khó khăn khi luyện tập hay trong những lúc tìm cách
để quay về với thực tại, thì cũng không nên xem
đấy là các dấu hiệu bất lợi. Quyết tâm đơn giản
được ngồi xuống mặt đất này và giữ lưng cho thật
thẳng để hòa nhập với thực tại đang hiển hiện ra
mới là điều quan trọng hơn cả.
Có phải mục đích luyện tập thiền định là làm cho
chúng ta lắng dịu xuống hay không?
Tại Tây Phương thiền định thường được xem là một phép luyện
tập giúp mang lại sự thư giãn, hơn nữa nhiều
người còn xem đấy là một phương pháp trị liệu
nữa. Thật thế, thiền định hàm chứa nhiều phẩm
tính trị liệu thật đáng kể. Thế nhưng không phải
vì thế mà có thể bảo rằng sự thoải mái là mục
đích của thiền định, mặc dù trên thực tế thì các
hiệu quả lợi ích ấy cũng có thể xảy ra. Chủ đích
của thiền định thật ra khác hơn thế rất nhiều.
Mục đích của thiền định là nhằm biến cải toàn bộ mối tương
giao giữa chúng ta và tất cả những gì mà chúng
ta nhận biết được, cảm nhận được hay suy nghĩ
được (tức là cách
giúp chúng ta nắm bắt và cảm nhận được hiện thực
đúng như thế, không để cho các xung năng và tác
ý trong tâm thức làm cho nó bị méo mó và biến nó
thành ảo giác).
Hành thiền không phải là cách tìm kiếm một thể dạng cá biệt
nào cả vì như thế chỉ là cách nhằm thu hẹp tác
động của nó mà thôi. Đấy là một cách tạo thêm
các điều kiện để trói buộc nó, và đấy cũng là
một trong những trở ngại hàng đầu trong việc
luyện tập.
Thiền định không phải là một phương tiện giúp mình tìm thấy sự
bình lặng, cũng không phải là một bát thuốc sắc
để mà uống khi gặp phải khó khăn. Mục đích của
thiền định là giúp chúng ta phát huy sự chú tâm
hướng vào tất cả những gì hiển hiện ra hầu giúp
chúng ta thoát khỏi mối ràng buộc giữa chúng ta
và các thứ ấy.
Việc luyện tập thiền định không nhằm vào chủ đích làm cho tâm
thức lắng xuống hoặc trở nên vô cảm trước những
trắc trở trong cuộc sống. Dù sao đi nữa thì
thiền định cũng không hề là một phương cách nhằm
cắt rời chúng ta với thực tại.
Vị tổ thứ sáu của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc
(ngài Huệ Năng)
sau khi nghe một vị thiền sư giảng cho đám đệ tử
của mình như sau: "Phải giữ tâm thức tĩnh lặng
hầu giúp mình suy tư về sự Tịch Tĩnh và Vắng
Lặng, và nhất thiết phải luôn luôn giữ tư thế
ngồi và không được ngưng nghỉ", thì ông đã phản
ứng lại như sau: "giữ tâm thức tĩnh lặng" là một
hình thức bệnh hoạn và nhất định đấy không phải
là con đường của Đức Phật.
Sau đó thì ông đã trước tác một bài thơ như sau:
"Trong khi sống, nếu chỉ biết ngồi không ngưng nghỉ,
Thì đến khi chết người ta sẽ được nghỉ,
thế nhưng lại không được ngồi.
Trong cả hai trường hợp thì đấy cũng
chỉ là một đống xương hôi thối!
Nào có liên quan gì đến bài học thật thiết yếu về sự hiện
hữu này đâu".
Bài thơ trên đây chẳng phải là tuyệt vời hay sao! Cốt tủy của
Đạo Pháp chính là đấy. Thiền định giúp chúng ta
phát huy sự hiểu biết sâu kín nhất về bản chất
của hiện thực và của chính mình. Đức Phật tự đặt
mình vào tâm điểm của thực tại hầu quán thấy thế
giới một cách minh bạch hơn.
Mặc dù thiền định là một sự dừng lại nhằm giúp mình nhận thấy
minh bạch hơn những gì là như thế, tuy nhiên các
kinh nghiệm ấy tự nó không hề là một chủ đích.
Sự đình chỉ giúp mang lại một thể dạng thư giãn. Dừng lại đấy.
Một sự yên lặng tỏa rộng. Đấy là một quá trình
thật cần thiết giúp cho sự chú tâm trở nên sắc
bén hơn. Thế nhưng nếu dừng lại đấy thì quả thật
đấy không phải là con đường.
Điều quan trọng hơn cả chính là sự cảnh giác.
Chú tâm và sự cảnh giác sâu xa
Kiến thức Phật Giáo (trí tuệ)
không dựa vào các giáo điều bất di dịch như các
tôn giáo khác, cũng không phải là kết quả do sự
phân tích khoa học mang lại như thường thấy
trong thế giới ngày nay. Nó cũng chẳng phải là
kết quả mang lại bằng cách tổng kết các quan
điểm khác nhau. Kiến thức Phật Giáo được hình
thành nhờ vào kinh nghiệm cảm nhận của chính
chúng ta bằng cách dựa vào sự chú tâm và cảnh
giác sâu xa (tác giả
không dùng chữ "trí tuệ" thế nhưng đã nêu lên ý
nghĩa của thuật ngữ này thật khéo léo và đồng
thời cũng không sử dụng chữ "giác ngộ" thế nhưng
cũng gián tiếp giải thích được sự giác ngộ là gì
bằng cách chỉ nêu lên thật ngắn gọn là "kiến
thức Phật Giáo" được hình thành từ kinh nghiệm
cảm nhận của chính chúng ta dựa vào sự chú tâm
và cảnh giác - tức có nghĩa là nhờ vào thiền
định).
Sự chú tâm là một cách hiển lộ tự nhiên là như thế khi nó tiếp
cận với một vật thể nào đó và không hề phát lộ
một sự bám víu nào. Thí dụ như tôi chú tâm vào
làn gió đang luồn vào tóc tôi và trong trí thì
không nghĩ đến bất cứ thứ gì cả
(tác giả là một nhà sư
đầu nhẵn thín, thí dụ này được đưa ra có lẽ là
để dành riêng cho chúng ta đấy! Nếu đầu ta nhẵn
thín thế nhưng trong tâm trí thì ta lại cứ cảm
thấy gió đang luồn vào mái tóc bồng bềnh của
mình thì đấy chứng tỏ là mình đã rơi ra ngoài sự
chú tâm và đang phiêu lưu ở một nơi nào khác bên
ngoài hiện thực và bên ngoài chính mình).
Tôi đặt tâm thức tôi trong một thể dạng tiếp
nhận thế thôi. Cái tâm thức ấy đang tập trung và
hòa nhập vào một thể dạng thật thăng bằng của sự
thanh thản. Nó không còn bị trói buộc trong các
điều kiện chi phối nó nữa. Cái tâm thức ấy của
tôi không hề tìm cách nói lên là nó thích cái
này hay không thích cái kia.
Cảnh giác sâu xa là một sự hiểu biết trực tiếp, nó không cần
đến bất cứ một hình thức trung gian mang tính
cách khái niệm hay ngôn từ nào cả
(khái niệm hay ngôn từ
đều mang tính cách quy ước, cảnh giác sâu xa là
một sự hiểu biết trực giác vượt lên trên mọi
hình thức lý luận dựa vào khái niệm và quy ước).
Nó giải thoát cho sự quán thấy nằm bên trong thị
giác, nó giải thoát cho âm thanh nằm bên trong
thính giác, nó giải thoát cho sự cảm nhận va
chạm nằm bên trong xúc giác, nó giải thoát cho
sự hiểu biết nằm bên trong tri thức. Đấy cũng là
cách mà cây cổ thụ biểu trưng cho sự lầm lẫn bị
đào lên tận gốc rễ (nhìn
thấy nhưng không diễn đạt, nghe thấy nhưng không
diễn đạt, va chạm vào da thịt nhưng không diễn
đạt, hiểu biết nhưng không diễn đạt: đấy là cách
nhổ bỏ tận gốc rễ mọi ảo giác của hiện thực).
Theo như các bài kinh nguyên thủy cũng như những trước tác của
các vị đại sư thì trước hết ta phải phát động sự
chú tâm và từ sự chú tâm ấy sẽ phát sinh ra sự
quán thấy sâu xa mang tính cách cởi mở và sâu
rộng hơn, giúp người hành thiền quán thấy một
cách thật sắc bén các kinh nghiệm cảm nhận của
mình về hiện thực, và từ đó sẽ dần dần hiểu được
cái cấu trúc trọn vẹn của các kinh nghiệm ấy mà
trước đây thì thông thường người ấy không hề
nhận thức được. Chú tâm giúp mang lại sự an
bình, bởi vì nó giải thoát cho tâm thức khỏi mọi
thứ dao động thường tình khiến cho nó luôn bị
rơi vào tình trạng bất định hướng.
Sự cảnh giác sâu xa phát hiện dưới hình thức của trí thông
minh và của khả năng trực giác (prajna
hay bát nhã) - đấy là một hình thức
hiểu biết không phát sinh bằng cách kiến tạo mà
thoát ra từ một bầu không gian mở rộng và quen
thuộc (sự cảnh giác
sâu xa không hình thành nhờ vào lý luận mà phát
sinh từ sự cảm nhận của trực giác khi tiếp xúc
với bầu không gian quen thuộc của thực tại, tức
có nghĩa là nhìn vào thực tại và quán nhận được
thực tại là như thế, cái thực tại ấy thật hết
sức quen thuộc với mình và không cho thấy một
mảy may nào xa lạ).
Tuy nhiên tôi lại thường nhận thấy đối với nhiều người sự diễn
tiến trên đây không xảy ra đúng theo thứ tự. Sự
cảnh giác sâu xa và sự chú tâm có thể cùng xảy
đến một lúc, hoặc đôi khi cũng xảy ra trường hợp
một trong hai thể dạng giữ một vị thế lấn át hơn.
Thiền định có phải là cách tạo ra một thể dạng
trống không hay chăng?
Nhờ vào sự tập luyện thì nhất định cũng có có thể tạo ra một
thể dạng trống không trong tâm thức được. Thế
nhưng đạt được như thế để mà làm gì?
Đức Phật không khám phá ra sự trống không, mà thật ra là cả
một trí thông minh trực giác
(trí tuệ)
giúp mở ra cho chúng ta một bầu không gian rộng
lớn của hiện thực. Thiền định là cách tập cho
chúng ta khám phá ra thật minh bạch cái trò vận
hành của sự lầm lẫn, hầu giúp chúng ta nhận thấy
là chúng ta đang tự trói buộc mình
(vào ảo giác)
như thế nào và cái không gian của sự giải thoát
thì lại rạng rỡ biết bao.
Luyện tập thiền định không phải là cách trút bỏ tất cả những
gì trong đầu mình mà đúng hơn là để giúp mình
đối đầu với thực trạng của mình trong hiện tại
(tức là tình trạng
nô lệ bởi ảo giác). Thói thường chúng
ta chỉ là những người dưng hoàn toàn xa lạ đối
với chính mình. Chẳng những các cảm tính và phản
ứng của chúng ta đôi khi có thể khiến cho chính
chúng ta phải ngạc nhiên
(không ngờ mình lại có
thể suy nghĩ hay hành động như thế được)
mà còn có thể làm cho chúng ta phải khiếp sợ nữa.
Ta sống thế nhưng hình như là sự sống ấy đang
được điều khiển bởi một con quái vật ẩn náu bên
trong chúng ta.
Đối với Phật Giáo thì thật ra chẳng có con quái vật nào cả.
Nói một cách chính xác hơn thì đấy cũng chẳng
khác gì như một đứa bé khiếp sợ một con ngáo ộp
thế thôi. Cứ bật đèn lên thì sẽ thấy ngay là
chẳng có con thú hay người nào ẩn nấp dưới gầm
giường cả. Sự chú tâm chính là cái ánh sáng giúp
cho chúng ta hết sợ.
Nơi trọng tâm của con người luôn có một cái gì đó thật tốt
(Phật tính).
Chúng ta chỉ cần đón tiếp nó. Sự khám phá ấy
thật kỳ thú. Nếu con người hòa nhập được với nó
thì cả đám ma quỷ cũng sẽ mất hết khả năng gây
ra những điều tệ hại. Thật ra thì cái đám ma quỷ
ấy cũng chẳng phải là gì khác hơn là các thứ tư
duy trong đầu của chính mình. Thật thế chúng nào
có khác gì những bọt bong bóng đang lơ lửng, rồi
đây chúng cũng sẽ phải vỡ tan để hóa thành một
bầu không gian mở rộng. Sự giải thoát cũng chỉ
là như thế.
Ngoài thiền định ra thì còn có phương cách nào
khác giúp phát huy được sự chú tâm hay không?
Thiền định là con đường hoàng đạo. Chẳng những đấy là một phép
tu tập vượt xa hơn các phép tu tập khác, mà còn
là nơi hội tụ của mọi hình thức sinh hoạt. Nếu
không thiền định thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao
giờ có dịp để mà tận hưởng được hương vị của sự
chú tâm và của thực tại.
Nếu khám phá ra được nó thì trong từng khoảnh khắc một chúng
ta cũng sẽ khám phá thấy là mình có thể duy trì
thật vững chắc được sự chú tâm đó và nó sẽ giúp
cho mình biết sống một cách sâu xa hơn.
Đối với một số học phái, thì nếu muốn thực hiện được điều ấy
thì chỉ cần theo dõi trong đầu mình từng động
tác thật nhỏ trên thân xác, chẳng hạn như duỗi
hay co tay, cầm một cây bút chì, khép hay mở một
cánh cửa, nâng một ly nước lên hay là đặt nó
xuống. Tuy nhiên cũng còn có nhiều phương pháp
và các phép luyện tập khác có thể giúp chúng ta
quay về với thực tại.
Nếu nhất quyết bước vào con đường thiền định thì
cần phải tránh các thứ trở ngại nào có thể xảy
ra?
Không nên tìm cách chủ động thân xác mà chỉ cần hòa nhập
với nó
Điều căn bản nhất trong phép thiền định là phải dựa vào thân
xác như một cơ sở hầu giúp mình phát động sự
luyện tập. Gồng mình thật cứng để cố bắt chước
theo tư thế của một người hành thiền lão luyện
thì thật là vô tích sự! Hãy chú tâm vào những gì
mà bạn đang có - đấy chính là điểm tựa duy nhất
của bạn.
Không nên cố gắng phát động sự chú tâm mà đơn giản là chỉ
cần chú tâm thế thôi
Không phải là cứ gồng người lên là giải quyết được mọi thứ khó
khăn. Chỉ cần hòa nhập vào chính sự chú tâm.
Không nên ước mong thực hiện một thứ gì cả mà
chỉ cần tiếp cận thật gần với những gì đang hiển
hiện ra với mình.
Không nên sử dụng thiền định để biến sự cảm nhận của mình
trở thành trống không mà chỉ nên dựa vào thiền
định để ý thức được sự cảm nhận của chính mình
Nhiều người sử dụng thiền định để tìm cách tạo ra một thể dạng
vắng lặng hầu giúp mình tự bảo vệ trước những gì
thật nghiệt ngã phát sinh từ sự cảm nhận của
chính mình. Đấy chẳng khác gì là cách biến việc
luyện tập trở thành một công cụ giúp mình trốn
chạy, nhằm thoát ra khỏi thế giới và để loại bỏ
các thứ xúc cảm cũng như mọi khó khăn. Thật ra
thì đấy chỉ là một thứ ngục tù kiên cố hay một
hình thức tự trấn an nào đó mà thôi và tuyệt
nhiên không phải là một bầu không gian rộng mở
giúp mình tự biến cải trước những gì đang hiện
hữu. Quả đúng là việc luyện tập có thể mang lại
một sự vững tin nào đó thế nhưng nếu dựa vào đấy
để mà tìm cách biến nó thành một thứ công cụ để
tự phòng vệ trước mọi sự tấn công trong cuộc
sống thì quả không đúng với ý nghĩa của thiền
định.
Không nên đặt ra một mục đích để tìm cách đạt được nó cho
bằng được, hoặc là mong cầu một thứ gì đó, đấy
chỉ là những thứ chướng ngại ngăn chận mọi sự
tiếp xúc với thực tại
Nếu bạn cố tìm cách đạt được bất cứ một thứ gì thì tức khắc
việc luyện tập của bạn sẽ bị lệch lạc ngay, bởi
vì bạn đã bắt đầu rơi ra bên ngoài cái sự thật
trần trụi của những gì là như thế. Chính vì lý
do đó mà con đường thiền định không hề có mục
đích gì cả. Khi nào còn hướng vào một điểm đến
và mong đợi sẽ đạt được điểm ấy thì khi đó chúng
ta cũng sẽ quên mất con đường mà mình đang phải
đi. Nếu giác ngộ là thực thể của thực tại thì
việc mong cầu thực hiện được sự giác ngộ sẽ là
một sự lạc hướng - bởi vì trong khi tìm kiếm sự
giác ngộ thì ta sẽ không còn nghĩ đến những gì
đang sẵn có ngay bên cạnh mình
(người ta thường bảo
rằng con đường thiền định thật ngắn, bởi vì
chính nó đã là điểm đến, nếu hành thiền mà lại
hướng vào một thứ gì khác bên ngoài cái thể dạng
trần trụi của chính mình và của hiện thực chung
quanh mình thì nhất định đấy sẽ là một sự lạc
hướng hay là một cách đánh mất con đường).
Không nên bám víu vào sự thoải mái do việc luyện tập mang
lại
Thay vì phải nhìn vào các biến động trong tâm thức đúng với
cung cách hiển hiện của chúng thì chúng ta lại
cứ nhắm vào những gì sẽ mang lại sự thoải mái
cho mình. Nên hiểu rằng chủ đích cao quý nhất
của thiền định là giúp chúng ta loại bỏ được
thái độ chỉ biết tìm kiếm lạc thú và xa lánh khổ
đau. Thiền định chính là cách giúp chúng ta khám
phá ra cái thực tại đích thật vượt lên trên mọi
sự diễn đạt (dù đấy
là thích thú hay đớn đau).
Việc luyện tập thiền định có mang lại nguy cơ
khiến chúng ta tự giam mình vào với chúng ta hay
không?
Thực thi thiền định lắm khi cũng giống như là một cách tự khép
mình và tự tách rời mình với thế giới và mọi
người chung quanh mình. Vậy có phải đấy là cách
chỉ biết "nhìn vào cái rốn của mình" và không
cần đếm xỉa gì đến muôn ngàn chuyện khác đang
xảy ra trong thế gian này hay không?
Sự thắc mắc đó cho thấy một sự mù tịt về ý nghĩa của con đường
thiền quán. Sở dĩ sự thắc mắc ấy xảy ra là vì
nền triết học Tây Phương chủ trương một sự đối
nghịch giữa hai thể dạng năng động và bất động -
sự năng động luôn được xem trọng và ngược lại
thì sự bất động lại bị khinh thường.
Sự nhận định sai lầm đó sở dĩ xảy ra là vì cách phân biệt giữa
năng động và bất động không được dựa vào các
kinh nghiệm cảm nhận của từng cá thể trong cuộc
sống (chỉ tìm cách
phân biệt hai thể dạng năng động và bất động
trên mặt lý thuyết và không nghĩ đến là sự "bất
động" cũng biểu trưng cho một nghị lực thật lớn,
thí dụ như thái độ "bất bạo động" đòi hỏi phải
có một sức mạnh nội tâm thật lớn vượt lên trên
sự thúc đẩy của các phản ứng "bạo động").
Giữ sự yên lặng thường cần đến rất nhiều nghị
lực, nhiều hơn là cách nói ra bằng lời. Buông
thả theo sự chi phối của các thứ xung năng luôn
dễ dàng hơn là phải đương đầu với chúng
(nên ghi nhớ là thiền
định không mang tính cách thụ động mà đỏi hỏi
một nghị lực rất lớn).
Thiền định giúp chúng ta phát huy thể dạng sẵn sàng để tiếp
nhận. Người hành thiền nào có phải là một nhà tu
khổ hạnh chỉ biết tìm cách rút lui khỏi sự sống.
Thiền định mang lại cho chúng ta một sự cởi mở,
và hơn thế nữa còn giúp chúng ta ứng xử một cách
thích đáng nhất trước mọi cảnh huống xảy ra.
Vậy
chúng ta có thể tự luyện tập thiền định một mình
bằng cách học hỏi từ sách vở hay không?
Chúng ta có thể bắt đầu tập luyện ngay bằng cách dựa vào các
lời chỉ dẫn trong một quyển sách đúng đắn, thế
nhưng sau một thời gian thì cũng phải tìm một
người khác giúp đỡ thêm cho mình
(xin hiểu là tác giả tu
tập theo Phật Giáo Tây Tạng). Sự
truyền giới là những gì thật hết sức đơn giản,
cách xa hàng nghìn dặm với những thứ ảo tưởng
mang tính cách thần bí. Thế nhưng nếu không có
sự truyền giới thì sẽ khó lòng có thể đáp ứng
ước vọng chân thật của người xin thụ giới.
(nhân câu phát biểu này của tác giả cũng xin mạn
phép nêu lên một gợi ý nhỏ là chữ "Mật Tông" -
tiếng Hán là "Mi Zong" - là một "sáng chế" sai
lầm trong ngôn ngữ Trung Quốc nhằm chỉ định một
học phái Phật Giáo là Tan-tra Thừa hay Kim Cương
Thừa. Học phái này được hình thành vào khoảng
thế kỷ thứ V tại Ấn độ và sau đó thì bành trướng
sang hầu hết các quốc gia khác tại Á Châu, do đó
học phái này không nhất thiết chỉ phát triển ở
Tây Tạng để có thể đồng hóa với "Phật Giáo Tây
Tạng" hay là để gọi học phái ấy là "Mật Tông Tây
Tạng". Truyền giới là một nghi thức tu tập khá
đặc thù của toàn thể học phái này và không có gì
là "bí mật" cả, đấy chỉ là một cách giúp tăng
cường sức mạnh và quyết tâm trong lòng người tu
tập. Tóm lại thiết nghĩ nên gọi học phái trên
đây phát sinh từ Ấn Độ là "Tan-tra Thừa" hay
"Kim Cương Thừa" thì có lẽ đúng hơn ).
Tiếc thay thời đại của chúng ta lại có khuynh hướng khinh
thường phần nào tầm quan trọng và các nét tuyệt
đẹp của nghi thức truyền giới, thế nhưng vào một
lúc nào đó thì chúng ta cũng sẽ phải cần đến sự
tương kết giữa hai con người
(giữa thầy và đệ tử),
đấy là cả một nhu cầu
(nhằm mang lại tính
cách thiêng liêng trong việc tu tập).
Sự truyền giới đó không phải là một sự trói buộc nhằm giam
mình trong một mối tương giao hạn hẹp với một
người khác, mà đúng hơn là để kết nối giữa người
tu tập với một dòng truyền thụ tâm linh. Những
gì được truyền thụ không thuộc của ai cả, cũng
không phải là một sự sáng tạo của một người nào
cả (thụ giới không
có nghĩa là nô lệ cho một dòng truyền thừa, một
nghi thức hay một con người nào cả).
Nhiều người đã sáng chế ra nhiều thứ kỹ thuật tập luyện thật
hiệu quả giúp vào việc cải biến mang tính cách
cá nhân. Thế nhưng phải hiểu rằng thiền định
không mang một mục đích như thế. Thiền định là
cách giúp chúng ta đến gần với Đức Phật, với cội
nguồn giáo lý của Ngài.
Hơn nữa và cũng là một điều thật hệ trọng là dù cho sự luyện
tập có vô cùng đơn giản đi nữa thì cũng thật hết
sức cần thiết phải bàn luận với một người đã đạt
được nhiều kinh nghiệm đích thật. Chúng ta cần
phải được hướng dẫn trên con đường nhằm giúp
mình có thể khám phá ra tất cả sự phong phú của
nó (tức là thừa
hưởng được kinh nghiệm của một người lão luyện,
tiếc thay tìm được một vị thầy chân chính và đầy
đủ khả năng để huớng dẫn mình thì quả thật là
khó trong hoàn cảnh hiện nay. Do đó nếu không
tìm được một vị thầy như mong muốn thì tốt hơn
tự mình phải cố gắng thật nhiều, và thật nhiều
trước đã).
Tại sao thiền định lại cần thiết cho sự sống đến
thế?
Thật sự ra trên một khía cạnh nào đó thì chẳng có gì có thể
gọi là tuyệt đối cần thiết cả và mỗi người đều
có thể chọn cho mình một cuộc sống riêng tư. Thế
nhưng cũng có nhiều người, trong số này có thể
kể ra trường hợp của nhà điêu khắc Brancusi
(một điêu khắc gia
người Pháp gốc Ru-ma-ni, 1876-1957, là một trong
những nhà điêu khắc lừng danh nhất trong thế kỷ
XX), các người này nhất quyết xem
Phật Giáo là lẽ sống của đời họ, dù rằng họ
không hề tự nhận mình là một Phật Tử trung kiên.
Dù sao thì đối với phần đông chúng ta
(tức là những người
Phật Giáo) nếu những ai không hề biết
đến việc luyện tập thiền định là gì thì quả thật
hết sức khó cho họ để có thể tìm thấy được hương
vị trong những lời giáo huấn của Đức Phật
(dù có hiểu được bằng
lý thuyết thật đúng đắn giáo lý Phật Giáo đi nữa
thì cũng ví như chỉ nhìn thấy một đĩa thức ăn "thơm
ngon" bằng tranh vẽ hay bằng hình chụp thế thôi.
Chỉ khi nào biết tréo chân ngồi xuống để mở rộng
sự cảm nhận của mình hầu giúp mình hòa nhập với
hiện thực thì khi đó cái hương vị ngọt ngào và
các ý nghĩa sâu sắc thoát ra từ những lời chỉ
dạy của Đức Phật mới có thể tỏa rộng trong tâm
hồn mình được). Thật thế, mỗi người
trong chúng ta đều có những lúc có thể phát lộ
được một sự chú tâm cao độ giúp mình chợt thấy
một vài kinh nghiệm cảm nhận nào đó. Các kinh
nghiệm ấy hiển hiện ra với mình và mang lại cho
mình một chút thư giãn. Thí dụ như khi ta tắm
với một vòi nước hoa sen chẳng hạn, ta chú tâm
vào các tia nước đổ xuống và chảy dài trên thân
thể mình. Thay vì nghĩ đến những gì sẽ phải làm
trong ngày hôm ấy thì ta cứ để cho các tia nước
mang lại sự thoải mái cho mình. Phép luyện tập
thiền định thật ra thì cũng chỉ là một phương
tiện giúp chúng ta làm hiển hiện ra cái thể dạng
là như thế, một thể dạng giúp chúng ta hoàn toàn
hòa nhập vào những gì mà chúng ta đang làm với
một tâm thức thanh thản và một con tim mở rộng.
Sự luyện tập ấy chẳng mang tặng cho chúng ta một
thứ gì đặc biệt cả. Nó cũng chẳng gợi lên cho
chúng ta một thể dạng kỳ thú nào cả.
Thế nhưng nếu không có nó thì quả là hết sức khó cho chúng ta
bước đi một cách vững chắc trên con đường hướng
về giác ngộ. Chúng ta sẽ cứ mãi bị chi phối bởi
các cảnh huống đang xảy ra. Thiền định giúp
chúng ta tiếp nhận trực tiếp được tất cả sự
trong sáng hiển hiện ra một cách đột khởi từ sự
chú tâm, nhằm giúp chúng ta biết tự trau dồi lấy
mình và biến cải thể dạng mà chúng ta đang hiện
có, cũng như giúp chúng ta đối đầu với bất cứ
một cảnh huống nào có thể xảy ra với mình.
Đấy là các lý do giải thích tại sao thiền định lại cần thiết
đến thế. Nó giúp chúng ta hiểu được con đường
của sự chú tâm là gì và cách biến sự chú tâm ấy
thành một con đường.
Nên luyện tập thiền định một mình hay chung với
một nhóm đông?
Việc luyện tập thiền định liên quan đến các cảm nhận mang tính
cách cá nhân. Trên một khía cạnh nào đó thì đấy
là những gì thật hết sức đơn giản, cũng chẳng
khác gì tắm rửa vào buổi sáng khi thức dậy.
Đấy chẳng qua cũng tương tự như cất lời chào nhau vào buổi
sáng và sẵn sàng đón chào sự sống trước mặt. Sự
hòa nhập ấy thật đơn giản. Sau khi tắm mát xong
thì cứ tréo chân lại và ngồi lên tọa cụ
(cách luyện tập một
mình). Cứ để cho sự tinh khiết chuyển
động một cách tự nhiên chung quanh ta.
Dù sao thì cách luyện tập chung với một nhóm nhiều người vẫn
có thể giúp mình đi xa hơn
(nhờ vào sự trợ lực).
Luyện tập chung thường giúp mình thiền định được
lâu hơn so với những lúc luyện tập một mình. Thí
dụ như trong trường hợp đang luyện tập chung với
nhiều người khác và mình cảm thấy không thể tiếp
tục lâu hơn được nữa và cứ muốn đứng lên, thế
nhưng nếu trông thấy các người khác vẫn còn ngồi
im thì mình cũng sẽ phải cố gắng ngồi lại. Đấy
cũng là một cách nỗ lực tập thể nhằm giúp tất cả
mọi người vượt xa hơn các giới hạn đã được định
trước, tức có nghĩa là mọi người đều có thể ngồi
được lâu hơn thời gian quy định mà mình không hề
hay biết.
Thật thế luyện tập thiền định không phải là chỉ luyện tập cho
riêng mình và vì mình. Chúng ta hiến dâng sự
luyện tập của mình cho người khác và đấy cũng là
cách biến nó trở thành một viên bảo châu
(không nên giữ những gì
mà mình thực hiện được mà nên hồi hướng cho
người khác).
Nên kéo dài một buổi luyện tập trong bao lâu?
Còn tùy vào hoàn cảnh của từng người - rảnh rỗi nhiều hay ít
hoặc có những lúc quá bận rộn vì nhiều việc xảy
đến. Có lúc tôi luyện tập thật chuyên cần và đều
đặn mỗi ngày, thế nhưng cũng có khi thì kém hơn.
Nếu thực lòng muốn luyện tập thì cũng nên thiền định ít nhất
là hai mươi phút mỗi ngày. Tôi vẫn thường khuyên
các người tu học với tôi nên luyện tập độ bốn
mươi lăm phút mỗi lần. Giữ được như thế sẽ giúp
cho thân xác, hơi thở và tâm thức của mình có đủ
thời giờ để trở nên vững vàng hơn. Trong ngày
hôm đó mọi sự xảy đến với mình sẽ diễn tiến khác
hẳn đi (ta sẽ có
nhiều khả năng hơn để chủ động các biến cố xảy
ra và biến cải chúng trở thành tốt đẹp hơn, hay
ít ra cũng không để cho chúng chỉ huy mình qua
các phản ứng tự động và máy móc của mình).
Nếu chúng ta luyện tập sự chú tâm thật đều đặn
thì sự chú tâm cũng sẽ trung thành với mình và
thường xuyên nhắc nhở mình.
Trước khi khởi sự một buổi ngồi thiền thì cũng nên định trước
là mình sẽ ngồi trong bao lâu. Sau đó thì phải
cố gắng giữ đúng như thế, điều này thật quan
trọng.
Tốt nhất là nên ngồi thiền vào buổi sáng khi vừa thức dậy, tức
là trước khi bắt tay vào công việc thường nhật,
đấy là lúc thuận lợi nhất. Nên tìm một chỗ yên
tịnh không bị ai quấy rầy.
Tuy nhiên nếu muốn tiến bộ nhanh hơn thì ngoài những buổi ngồi
thiền hằng ngày ra thỉnh thoảng cũng nên tham dự
các dịp ẩn cư kéo dài nhiều ngày và đặc biệt chỉ
dành riêng cho việc tập luyện thiền định. Trong
các dịp như thế chúng ta sẽ có cơ hội tìm trở
lại dễ dàng hơn tâm trạng của một người hành
thiền khi mới tập tành, tương tự như được uống
một ngụm nước tuôn ra từ cội nguồn của một con
suối mát.
Sau khi hành thiền xong thì phải hành xử như thế
nào trong cuộc sống hằng ngày?
Hành thiền trong tư thế ngồi yên chỉ có thể hàm chứa một ý
nghĩa đích thật khi nào nó có thể mang lại cho
chúng ta một sự cảnh giác cao độ giúp chúng ta
biến cải được những gì xảy ra trong cuộc sống
hằng ngày. Nói cách khác, thiền định bằng cách
ngồi yên phải đi đôi với thiền định bằng hành
động. Đấy chính là cách làm phát sinh ra "đạo
đức" Phật Giáo
(chuyển các kết quả thiền định mà mình gặt hái
được thành những hành động mang lại sự thân
thiện, lợi ích và an vui cho những người chung
quanh).
Hành thiền bằng cách ngồi yên sẽ giúp cho sự chú tâm trở nên
linh hoạt hơn và vững vàng hơn. Nhờ đó chúng ta
sẽ ý thức được một cách minh bạch hơn từng hành
động của chính mình.
Chúng ta cũng sẽ khám phá ra phẩm tính cao độ của sự yên lặng
giúp chúng ta tìm thấy sự hăng say và mối tương
giao thật sinh động giữa chúng ta và bầu không
gian mở rộng. Triết gia Soren Kierkegaard
(1813-1855, là nhà thần học và triết gia người Đan Mạch, chủ trương thuyết
hiện sinh - existentialism) cho rằng:
"Sự sống và cả thế giới theo cách nhìn của chúng
ta đều lâm vào một cơn bệnh thật ngặt nghèo. Nếu
như tôi là một vị bác sĩ và nếu có ai hỏi tôi
nghĩ gì về con người thì tôi sẽ bảo với người ấy
rằng: "Hãy câm ngay đi! Để tôi kê cho một toa
thuốc về sự yên lặng".
Thiền định là một ngành y học thần kỳ. Nó mang lại cho chúng
ta sự yên lặng ấy, một sự yên lặng thật cần
thiết cho mỗi con người trong chúng ta.
Nhiều vị thầy khuyên chúng ta cứ mỗi giờ thì nên dành ra một
phút yên lặng. Cứ đúng mỗi giờ thì ta dừng lại
và giữ nguyên tư thế của mình vào lúc ấy, dù là
đang ngồi, đang đứng hay đang nằm. Ta cứ thản
nhiên làm những gì mà mình cần phải làm trong
suốt năm mươi chín phút trước đó, thế nhưng đến
cái phút sau cùng của mỗi giờ thì nên dừng lại
để thiền định. Chúng ta có thể vặn chiếc đồng đồ
để báo cho chúng ta cái phút ấy.
Khi nghe tiếng reo của chiếc đồng hồ thì hãy nên hướng tâm
thức vào hơi thở của mình. Chú tâm theo dõi hơi
thở vào và hơi thở ra.
Nào có nghĩa lý gì một phút trôi qua, thế nhưng cũng chỉ cần
một phút thôi cũng đủ để giúp chúng ta tận hưởng
những gì mang lại từ tâm thức và con tim của
mình khi chúng kết hợp với nhau để cùng hướng
vào không gian đang mở rộng.
(Trong trường hợp không
thể thiền định đều đặn một phút trong mỗi giờ
thì cũng nên tự nhắc nhở mình cái phút yên lặng
thật cần thiết ấy khi nào cảm thấy tâm thức mình
bị dao động, bồn chồn, lo âu, tức giận, sợ hãi,
hay chợt nhận thấy là mình đang cười nói huyên
thiên mà không chủ động được. Những lúc ấy hãy
nên cố gắng quay nhìn vào hơi thở của mình, theo
dõi từng hơi thở vào và từng hơi thở ra..., sau
một phút thì tự nhiên các xúc cảm bấn loạn trên
đây cũng sẽ lắng bớt xuống ngay. Dù đấy không
phải là một hình thức thiền định đúng nghĩa của
nó, thế nhưng cũng là một liều thuốc chữa chạy
tạm thời giúp cho "cơn đau" đang hành hạ mình
nhẹ bớt đi).
Hoàng Phong chuyển ngữ
|