XUÂN VỀ GIỮA THUNG LŨNG HOA VÀNG

Hàn Long Ẩn

 

Đúng như tên gọi thơ mộng “Thung Lũng Hoa Vàng”, thành phố San Jose, khi mùa xuân về khắp cả vùng thung lũng đâu đâu cũng thấy những loài cây cỏ có hoa vàng rực rỡ cả một góc trời. Men theo các xa lộ như 101, 280, 87, 680... chúng ta sẽ “tận mục sở thị” nét đẹp vô cùng nên thơ của những đóa hoa vàng lung linh trong tiết xuân về. Có lẽ vì những đóa hoa vàng biết “ngân nga tiếng đời đó” nên nhà thơ Lê Hân một lần về cũng đã thổn thức:

Ta về Thung Lũng Hoa Vàng

Lòng phơi phới mở bạt ngàn hương hoa

Gió thoa màu nắng chan hòa

Vàng cành lá biết ngân nga tiếng đời.

Đặc tính “hoa vàng” mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng này đã tạo nên một phong cách, hay nói khác hơn là một nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt tại đây. Thành phố thì thơ mộng. Con người thì sâu lắng. Ai đã từng sống ở thành phố có đông cư dân Việt Nam thứ hai, sau Quận Cam, này đều công nhận một điều là, cộng đồng Việt Nam tại đây có bản tính hiền hòa, chăm chỉ học hành, siêng năng lao động... và đặc biệt là rất yêu thơ ca, hội họa. Có người nói vui rằng: một số người Việt tại San Jose dù không biết làm thơ, không biết sáng tác nhạc vẫn có tâm hồn nghệ sĩ. Chính vì thế mà các buổi trình diễn âm nhạc, ra mắt CD, sách, thơ... đều có rất đông quý đồng hương đến tham dự. Ngày thường đã là vậy, còn khi Tết đến xuân về thì ôi thôi “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Những khu thương mại như: Grand Century, Vietnam Town, Lion Plaza, Senter... đều chật ních “tao nhân mặc khách” khắp nơi đổ về trẩy hội du xuân. Các món ăn như bánh tét, bánh chưng, kẹo, mứt, hột dưa...; nhiều loại hoa lan, cúc, lay-ơn, đào... vô số các trò chơi bầu-cua, xổ-số, lô-tô, đốt pháo, múa lân... ở đây đều có tất tần tật. Nói chung, nếu Tết ở quê nhà có món gì thì tại “Thung Lũng Hoa Vàng” đều có những món như thế ấy.

Ngay cả văn hóa tâm linh cũng vô cùng hưng thịnh. Từ những ngôi chùa với kiến trúc đồ sộ như tu viện Kim Sơn, chùa Đức Viên, Bảo Phước... cho đến một số ngôi chùa nhỏ nhắn xinh xắn mà trang nghiêm khép mình trong Downtown như chùa Thiên Trúc, Phật Quang, Hồng Danh... và tất cả các ngôi chùa có mặt ở “Thung Lũng Hoa Vàng” đều là nơi để quý đồng hương đến nương tựa, tu học và thực tập đời sống an vui, giải thoát. Nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán, đồng hương Phật tử đi lễ Phật đầu năm rất đông đến nỗi chùa không có đủ parking để cho bà con đậu xe. Vì thế, muốn đi chùa vào ngày mồng một Tết phải đi thật sớm hoặc đậu xe từ xa rồi đi bộ đến chùa. Khung cảnh nhộn nhịp của những ngày đầu xuân bên xứ người làm cho ta càng nhớ và khắc khoải về một quê hương còn bỏ lại bên kia bờ đại dương vẫn đang còn “khổ đau trăm nỗi”. Hãy nghe nỗi niềm của nhà thơ Quốc Nam thì sẽ rõ:

Giao thừa ta đốt trầm hương ngát,

Xin những bàn tay xích lại cùng.

Thung Lũng Hoa Vàng xuân mới nở,

Cùng nhau dựng lại một quê hương.

Quê hương vẫn khổ đau trăm nỗi,

Bảy chục triệu người đói lạnh căm.

Ta gọi em về trong ngóng đợi,

Việt Nam mùa tới đẹp tình xuân.”

Ta vẫn cứ gọi “em” về, vẫn choàng tay nhau cùng bạn bè bên tách cà phê để hy vọng, để chờ đợi “Việt Nam mùa tới đẹp tình xuân”.

Nói đến cà phê người viết chợt phát hiện ra một điều ở “Thung Lũng Hoa Vàng” là, đi đâu trong các góc phố mộng mơ của thành phố này chúng ta cũng dễ dàng tìm ra những quán cà phê rất chi là Việt Nam, kể cả phong cách lẫn hương vị. Chúng ta có thể vừa ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa và nhìn ngắm dòng người tấp nập qua lại. Và biết đâu, có thể lắm, chúng ta sẽ tình cờ được nghe khúc hát của Vũ Đức Nghiêm:

Người ơi! Mùa xuân, mùa xuân đã về... Thung Lũng Hoa Vàng 
Còn nhớ... gì không? Người ơi, người xưa yêu dấu ơi! 
Có bao giờ em... trở về Thung Lũng Hoa Vàng
Cùng nghe nhạc reo... êm đềm vàng gió xuân sang
...”.

Sẽ nhớ và rất nhớ những khoảnh khắc Xuân về ấm áp tình người, tình đồng hương, tình yêu, tình bạn... Cảm giác rạo rực đó làm sao quên được?! Dù cho ngày sau, năm sau hay cả mấy thế kỷ sau đi nữa, mùa xuân ấy, mùa trăng ấy sẽ vẫn tồn tại mãi:

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ra đi gởi lại đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù?” (Bùi Giáng)

Nếu chiếc lá rơi mà biết “dội” ở trong sương mù hay trong cơn mưa chiều lất phất thì nỗi lòng của kẻ ra đi, người ở lại sẽ mãi da diết đến khôn cùng. Mưa thường dễ làm cho nỗi lòng của kẻ tha thương hay chạnh lòng, xao xuyến nhớ về những kỷ niệm xa xưa... Mưa ở thành phố hoa vàng cũng vậy, cũng ngơ ngác, sa mù... Đặng Kim Côn trong một đêm trăng khuyết nhìn ra bầu trời San Jose nghe lòng bùi ngùi:

Trăng khuyết đã đành mưa chi lắm

Những giấc mơ ngơ ngác quanh đời

Để lại tháng ngày mưa thơ thẩn

Từng giọt rơi mù San Jose.”

Mưa rồi cũng sẽ tạnh, sương mù rồi cũng sẽ tan, xuân đến rồi xuân sẽ đi, chim rồi cũng sẽ cất cánh bay xa, nhưng lòng người, tình xuân vẫn còn đọng mãi trong sâu thẳm trái tim của người dân nước Việt. Xin mượn bốn câu thơ của Quốc Nam để khép lại bài viết đầu xuân này:

‘‘Em đã về chốn này,

Chim rồi mỏi cánh bay.

Màu hoa vàng rực rỡ,

Trên thung lũng tình đầy.”

 

Thiên Trúc, San Jose, đầu xuân Quý Tỵ - 2013

Hàn Long Ẩn

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008