Nguồn Gốc Kinh Đại Thừa

Kỹ sư Nguyễn Trung Hiếu

 

Đại cương

Kinh Đại thừa rất dài, viết bằng tiếng Sanskrit, rất cao siêu, rất linh động, khi thực, khi hư và chỉ bắt đầu xuất hiện sau hơn 500 năm, kể từ khi đức Phật nhập diệt.

 

Đức Phật không có dạy kinh Đại thừa cho 10 Đại đệ tử của Ngài

Vì thế, hoàn toàn không có kinh Đại thừa, trong lần kết tập kinh điển thứ nhất, tại động Thất Diệp, Satiapanni, thành Vương xá, Rãjagãha, do ba Đại đệ tử: Ma- Ha- Ca- Diếp, Ưu- Ba- Ly (luật) và A-Nan-Đà (kinh) đồng chủ toạ, dưới sự bảo trợ của vua A-Xà-Thế, Ajatasattu. (Hoà thượng Rewata Dhamma viết theo Tiểu phẩm Cullavagga trong Tạng luật)

Lập luận cho rằng: Đức Phật cũng đồng thời dạy kinh Đại thừa cho những chúng sinh nào có trình độ hiểu biết cao … là không hợp lý. Đó là vì, như đã nói trên, chính các Đại đệ tử của Phật, cũng có trình độ hiểu biết cao, nhưng không hề biết gì về kinh Đại thừa cả.

Lập luận khác, thực tế hơn và khả tín hơn cho rằng: Sau hơn 500 năm, kể từ khi Phật nhập diệt, khoảng thế kỷ thứ nhất của Tây lịch các Tổ sư của Phật giáo như ngài: Hiếp Tôn Giả, Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân… mới suy diễn và thêm thắt kinh Nguyên thủy để viết ra kinh Đại thừa. Sự việc cũng tương tự như Ngài Huệ Năng, cũng suy diễn từ kinh Nguyên thủy để viết ra kinh Pháp-Bảo-Đàn, ở thế kỷ thứ 7.


Dẫn chứng

Theo sử liệu thì sau 3 tháng kể từ khi đức Phật nhập diệt, tăng sĩ tập họp lại để hồi tưởng và kết tập các lời dạy của Phật thành bộ kinh Nguyên thủy. Ngược lại, sau hơn 500 năm, kinh Đại thừa mới bắt đầu xuất hiện. Như vậy “Nguồn gốc kinh Đại thừa” từ đâu mà có? Và kinh Đại thừa so với kinh Nguyên thủy có khác nhau gì không ? Các luận cứ sau đây kiểm chứng điều đó:

Luận cứ 1: Nói rằng: Bộ kinh Bát Nhã được Phật truyền giảng trên núi Linh Thứu, trước một đại chúng 5000 người. Dalai Lama viết trong sách: “Tinh túy Bát Nhã tâm kinh” như sau: “Khó mà biết kinh Bát Nhã có phải là lời dạy của Phật hay không? Tôi đã đến Linh Thứu. Tại đây không thể chứa 5000 người”. Như vậy Dalai Lama cũng hoài nghi nguồn gốc kinh Đại thừa.

Luận cứ 2: Thầy Thích Hạnh Bình viết trong trang mạng Quảng Đức, bài: “Kinh điển Đại thừa có phải là Phật thuyết không ?” như sau: “Trong các lần kết tập thứ nhất, thứ hai và thứ ba chỉ có năm bộ Nikãya (kinh bộ) và bốn bộ Agama (A - hàm), nhưng không có kinh Đại thừa”.

Như vậy kinh Đại thừa được hình thành sau nầy.

Luận cứ 3: Theo sách “Sự hình thành Đại thừa” của J. O’ Neil, Kinh Đại thừa xuất hiện khoảng 100 năm trước công nguyên. Như vậy kinh Đại thừa là do các tăng sĩ viết ra, sau hơn 500 năm kể từ khi Phật nhập diệt.

Luận cứ 4: Khi cố gắng nhớ để ghi lại lời dạy của Phật, thì chỉ có thể ghi lại một cách tóm lược, ngắn gọn vài trang, giống như kinh Nguyên thủy, chớ không thể ghi lại một cách chi li, đầy đủ từng chi tiết, trường giang đại hải như kinh Đại thừa. Cụ thể là bộ kinh Đại Bát Nhã có tất cả là 600 quyển, Kinh Hoa Nghiêm có 80 quyển… Thời gian thực hiện tất cả các bộ kinh nầy cũng phải là vài chục năm, vượt quá thời lượng của các lần kết tập. Do đó nếu nói kinh Đại thừa là do tăng sĩ kết tập là không hợp lý.

Luận cứ 5: Nói rằng: kinh điển được Phật dạy theo thứ tự của “Ngũ thời Phật giáo”?. Thế nhưng trong các lần kết tập, tăng chúng chỉ ghi lại kinh A Hàm trong thời kỳ A Hàm thời mà không nói gì đến các thời kia như: Hoa Nghiêm thời, Phương Đẳng thời, Bát Nhã thời, Pháp Hoa thời. Như vậy “Ngũ thời Phật giáo” là không có cơ sở để tin được.

Luận cứ 6: Nói rằng: “Đức Phật không giảng dạy kinh Đại thừa cho loài người. Đức Phật chỉ giảng dạy kinh Đại thừa ở cõi trời, cho Chư Thiên mà thôi. Chư Bồ tát đã kết tập các kinh điển trên và truyền lại cho cao tăng”. Biện giải trên quá thần bí, vì Chư Bồ tát là vô hình, vô tướng.

Luận cứ 7: Từ ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) chỉ tìm thấy trong kinh Pháp hoa mà không có trong các kinh điển trước đó. Thế nhưng kinh Pháp hoa xuất hiện khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch và như vậy hai danh từ trên cũng bắt đầu có, từ thời điểm đó.

Luận cứ 8: Trong Hán tạng A hàm, Phật dạy Ananda về Pháp thừa, Dhammayana như sau: “Nầy Ananda, con đường Tám Chánh (Bát chánh đạo) đồng nghiã với cỗ xe tối thượng, là “cỗ xe Pháp”, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục: tham, sân, si”. Như vậy đức Phật chỉ nói về: “cỗ xe Pháp thừa”, chớ không có nói: “cỗ xe lớn” hay “cỗ xe nhỏ”, cũng không có nói: Đại thừa hay Tiểu thừa gì cả. Trên thế giới, không có tông phái nào có tên gọi là: ‘Phật giáo Tiểu thừa’ và danh từ Tiểu thừa cũng không có trong kinh Nguyên thủy. Phật giáo Đại thừa, có nghiã là cỗ xe lớn, tự ý chế tác danh từ Tiểu thừa, là cỗ xe nhỏ, để gọi chung tất cả các tông phái khác của Phật giáo. Vì thế năm 1950, “Hội Phật giáo Thế giới, WFB” nhóm họp tại Colombo, quyết định xóa bỏ danh từ Tiểu thừa.

Luận cứ 9: Kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa đều do tăng chúng viết ra. Sự khác biệt giữa hai loại kinh nầy là: Kinh Nguyên thủy rõ ràng, bình dị như: kinh Voi rừng, kinh Hạnh con chó, kinh Người áo trắng, kinh Lời vàng, kinh Chiếc bè, kinh Cái nồi đất, kinh Thanh tịnh … là do các tăng sĩ kết tập, ghi lại lời dạy của Phật một cách trung thực, ngắn gọn, không thêm, không bớt. Khác hẳn kinh Nguyên thủy, tên gọi của các bài kinh Đại thừa rất văn hoa, bóng bẩy như: Hoa nghiêm, Bát nhã, Pháp hoa, Kim cang, Vô lượng thọ, Pháp bảo đàn … Kinh Đại thừa không do kết tập như trên, mà do nhiều vị Sư tổ của Phật giáo suy diễn từ kinh Nguyên thủy để viết ra và vì thế, tùy theo sự hiểu biết cá nhân, thêm điều nầy, bớt đoạn kia cho nên kinh Đại thừa, với nhiều huyền nghiã và ẫn dụ, rất cao siêu và cũng rất mâu thuẫn, khi nói có, khi nói không, khi thực, khi hư.

* Thí dụ về sự mâu thuẫn: Trong kinh Tứ niệm xứ, Phật giáo Đại thừa ghi là: “Quán Pháp vô ngã”. Như vậy “Vạn pháp” chỉ là vô ngã, chớ không vô thường hay sao?

* Thí dụ về sự suy diễn: Trong kinh Nguyên thủy Phật dạy là: “con người có Lục thức”. Đại thừa suy diễn để thêm 4 thức nữa thành 10 thức. Bốn thức đó là: Manas, Alaya, Amala và Hridaya.

* Thí dụ về sự bất nhất: Thần chú là linh ngôn, mật ngữ không thể sửa đổi. Thế nhưng thần chú của Bát Nhã tâm kinh vẫn bị sửa đổi. Kinh sách nầy ghi là: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Boddhi Svaha. Kinh sách kia lại ghi: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha.

* Thí dụ về đức tin: Quy y Phật là: quy y với Phật, ở bên ngoài. Nhưng theo kinh Pháp Bảo Đàn là: quy y với Phật tâm, ở trong ta. Như vậy là hữu ngã?

Luận cứ 10: Theo kinh Nguyên thủy, Phật là vị A la hán đã đắc đạo, khi còn tại thế gian. Ngược lại theo thuyết “Tam thân Phật” của Đại thừa, Phật Thích Ca đã là Phật, từ vô lượng kiếp và ngài nhập thế là để hoá độ. Nếu như vậy thì Phật Thích Ca đã biết là phải tu hành như thế nào? Ngài đâu cần phải: “6 năm khổ hạnh rừng già để tầm đạo, đến nổi gần vong mạng”. Do đó thuyết “Tam thân Phật” của Đại thừa không phải là lời của Phật dạy.

Luận cứ 11: Kinh Nguyên thủy viết bằng tiếng Pãli. Kinh Đại thừa viết bằng tiếng Sanskrit. Mặc dù Sanskrit phong phú về từ ngữ hơn Pãli, nhưng Phật giáo Nguyên thủy vẫn chọn Pãli để viết kinh cho trung thực với lời giảng của Phật, vì đó là ngôn ngữ mà Phật đã thuyết pháp khi xưa. Kinh Pháp cú bằng tiếng Pãli, bià bằng gỗ, viết trên lá bối hiện đang lưu giữ tại Tích Lan.

Luận cứ 12: Theo trang mạng của Thư viện Hoa sen: Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đề cử tôn giả A Nan Đà kết tập kinh điển và được đại chúng nhất trí. Tôn giả A Nan Đà lần lượt kết tập các kinh sau đây: Tăng nhất, Tăng thập, Đại nhân duyên, Tăng kỳ đà, Sa môn quả, Phạm động và những kinh Phật thuyết giảng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Những kinh dài kết tập thành một bộ gọi là Trường A hàm. Những kinh trung bình kết tập thành một bộ gọi là Trung A hàm. Những kinh nói cho nhiều đối tượng như: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di được kết tập thành một bộ gọi là Tạp A hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười pháp kết tập thành một bộ gọi là Tăng nhất A hàm. Các kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạp tạng. Thế rồi tôn giả Ma Ha Ca Diếp tuyên bố: Chúng ta đã kết tập xong giáo pháp. Đây là các tài liệu cổ nhất, đánh dấu bước đầu hình thành Chánh tạng Pãli. Như vậy đức Phật không có dạy kinh Đại thừa cho 10 Đại đệ tử của Ngài.

Luận cứ 14: Nalinaksha Dutt viết: “Tập kinh Saddharmapundarika, thuộc kinh Pháp hoa của Đại thừa, dùng hai lời tuyên bố của Phật, trong kinh Nguyên thủy để chứng minh kinh Đại thừa là lời dạy của Phật”.

* Lời tuyên bố thứ nhất của đức Phật là: Sau khi giác ngộ, Phật ngần ngại không biết có nên truyền thuyết giáo pháp cho đại chúng hay nhập Niết bàn? Tăng sĩ Đại thừa giải thích là: giáo lý Đại thừa quá cao siêu nên Phật mới ngần ngại ?

* Lời tuyên bố thứ hai của đức Phật là: Phật giảng chánh pháp không nhất luật phải như nhau. Tăng sĩ Đại thừa giải thích là: Phật muốn giảng dạy giáo lý Nguyên thủy trước, rồi sau đó, sẽ giảng giáo lý Đại thừa sau ?

Dùng kinh Nguyên thủy để biện minh: ‘Nguồn gốc kinh Đại thừa’ rất là hay, rất là “logic”. Thế nhưng trong trường hợp nầy, cách giải thích trên rất gượng ép, không rõ ràng, vì hai câu kinh trên có thể giải thích theo nhiều ý nghiã khác hẳn.

Luận cứ 15: Tiến sĩ thiền sư Suzuki viết: “Kinh Đại thừa không phải là lời dạy chính xác của đức Phật, nhưng các tăng sĩ Đại thừa rất hãnh diện về sự kiện nầy, vì đó là một sức mạnh tôn giáo linh động”.

Luận cứ 16: J.R. O’Neil viết: “Kinh của Đại thừa hoàn toàn khác hẳn về văn phong, âm điệu, nhưng chúng được nhiều người theo phong trào mới chấp nhận là “Phật ngôn” vì nhiều lý do:

A* Thứ nhất, họ tin rằng đức Phật vẫn hiện hữu, sau khi nhập diệt. Vì thế Đức Phật vẫn có thể truyền giảng kinh Đại thừa cho cao tăng, qua việc hành thiền, nhập định của các vị nầy.

* Nghi vấn: trong ảo mộng, tăng sĩ lầm tưởng là được Phật truyền dạy kinh Đại thừa? Tương tự, nhiều Giáo chủ của ngoại đạo cũng tự nhận là được Thượng đế truyền đạt giáo chỉ? Thực hay hư?

B* Thứ hai, kinh Đại thừa được xem như sản phẩm từ tuệ giác của các cao tăng đã hoàn toàn giác ngộ cho nên cần được xem như là lời dạy của Phật.

* Nghi vấn: Ngài Thế Thân cũng nói như trên. Xem luận cứ kế tiếp, số 17. Thế nhưng làm sao biết được bài kinh nào là của Thánh tăng sáng tạo và bài kinh nào là của Phàm tăng tạo dựng như kinh: Lâu đài trinh phụ, Dutiyapatibbatà-Vimàna.

C* Thứ ba, kinh Đại thừa là lời giảng của đức Phật, nhưng đã được dấu đi tại quốc độ của các loài thần rắn (Naga, Long vương), cho đến khi nào loài người đủ kiến thức, có thể hiểu được tầm mức quan trọng của kinh thì mới thỉnh được chúng.

* Nghi vấn: Đức Phật không có dạy kinh Đại thừa cho 10 Đại đệ tử của Ngài. Như vậy đức Phật cũng không có dạy kinh Đại thừa cho bất cứ ai. Hơn nữa mang kinh sách đi cất dấu? thì sau nầy, hậu sinh làm sao tìm cho được?

Luận cứ 17: Ngài Thế Thân viết quyển sách: “Pháp tướng Duy thức học” rất nổi tiếng. Ngài đã làm cho Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ tư. Về nguồn gốc kinh Đại thừa, ngài nói: “Có thể kinh Đại thừa là do một vị nào đó? viết ra và vị đó? ắt hẳn đã chứng quả Bồ đề như Phật Thích Ca và như vậy kinh Đại thừa cũng phải được xem như là lời Phật dạy”. Câu nói của ngài Thế Thân chứng tỏ là ngài cũng tin là kinh Đại thừa, có thể do cao tăng nào đó viết ra.

Luận cứ 18: Theo kinh A hàm, Tăng chi bộ 1, Phật dạy Thiền chỉ, Samatha để định tâm. Đó là: Niệm Thiên, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm trược, niệm tịnh… Phật giáo Đại thừa suy diễn từ pháp tu: “Niệm” nói trên và sửa đổi lại, thành ra: niệm Phật A Di Đà, niệm Bồ tát Quán Thế Âm để vừa định tâm, vừa cầu xin cứu độ. Như vậy kinh Đại thừa là sự suy diễn từ kinh Nguyên thủy.

Luận cứ 19: Tăng sĩ Nguyên thủy có đầy đủ lịch sử, kinh sách, tài liệu để chứng minh kinh Nguyên thủy là lời dạy của đức Phật. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà kết tập lời Phật dạy một cách trung thực, ngắn gọn, rõ ràng, không thêm, không bớt tại động Thất Diệp để hoàn tất giáo pháp và luật lệ tu hành của đạo Phật. Trong lần kết tập thứ hai, giáo pháp (Dhamma) bị tách ra làm hai và được sắp xếp lại cho thứ tự, gọn gàng trong 3 tạng Tipitaka (basket). Đó là: Tạng kinh (Suttanta), tạng vi-diệu (Abhidhamma) và tạng luật (Vinaya) tức là Tam tạng Pãli. Chánh tạng nầy là căn bản tu học của đạo Phật Nguyên thủy.

Luận cứ 20: Ngược lại, tăng sĩ Đại thừa không có một chứng cớ cụ thể nào để chứng minh kinh Đại thừa là “Phật ngôn” (Buddhavaccana). ngoại trừ những dẫn chứng siêu nhiên, thần bí, như theo luận cứ số 6 và 16. Không thể phản bác, tăng sĩ Đại thừa chỉ có thể chứng minh là có một số bài kinh của Nguyên thủy, cũng không phải là Phật ngôn như: kinh Na tiên, kinh Điạ ngục, kinh Lâu đài trinh phụ (Dutiyapatibbatà-Vimàna) vân vân.

 

Kết luận

Phật giáo Nguyên thủy có hai loại kinh.

A* Loại kinh thứ nhất do Phật thuyết như: kinh Voi rừng, kinh Hạnh con chó, kinh Người áo trắng, kinh Lời vàng, kinh Chiếc bè, kinh Cái nồi đất, kinh Thanh tịnh, kinh Phước đức, kinh Từ bi vân vân … và …

B* Loại kinh thứ hai do cao đồ, cao tăng biên soạn như: kinh Na tiên, kinh Điạ ngục, kinh Lâu đài trinh phụ (Dutiyapatibbatà-Vimàna) vân vân.

Ngược lại, Phật giáo Đại thừa chỉ có một loại kinh duy nhất. Đó là các kinh sau đây: Hoa nghiêm, Bát nhã, Pháp hoa, Kim cang, Vô lượng thọ, Lăng nghiêm, Viên giác vân vân. Loại kinh nầy là do các Tổ sư của Phật giáo như: Ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân … suy diễn và thêm thắt kinh Nguyên thủy để viết ra kinh Đại thừa, ở thế kỷ thứ nhất của Tây lịch, sau hơn 500 năm, kể từ khi Phật nhập diệt. Sự việc cũng tương tự như Ngài Huệ Năng, cũng suy diễn từ kinh Nguyên thủy để viết ra kinh Pháp-Bảo-Đàn, ở thế kỷ thứ 7.

 

Phụ chú:

Lịch sử phát triển Phật giáo

Trong lần kiết tập kinh điển lần thứ hai, vào khoảng 100 năm, sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, Phật giáo Nguyên thủy bị phân hoá thành hai bộ phái chính yếu. Đó là: Mahāsanghika (Đại Chúng Bộ) và Theravāda (Thượng Toạ Bộ). Về sau, hai bộ phái trên lại bị phân hoá thêm nữa, thành ra 18 bộ phái.

Mahāsanghika (Đại Chúng Bộ) chủ trương cấp tiến. Để có thể truyền bá đạo Phật cho đại chúng, Đại Chúng Bộ đã phải sửa đổi một vài giáo lý của đức Phật để thích nghi với điều kiện sinh sống, phong tục, tập quán của từng điạ phương.

Theravada (Thượng Toạ Bộ) chủ trương bảo thủ. Vì thế tương đối, vẫn còn giữ nguyên lời dạy của đức Phật như: Vẫn tu học Tứ niệm xứ, tu thiền Minh sát tuệ và tu hành theo gương của Phật như: trì bình bát, đi khất thực, không mang giày dép, đắp cà sa vàng như Phật, đọc kinh bằng ngôn ngữ của Phật thay vì bằng tiếng điạ phuơng …

Phật giáo Nguyên thủy của đức Phật khi xưa và Phật giáo Theravada ngày nay không hẳn là giống hệt như nhau. Nhưng Theravada vẫn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy để phân biệt với Phật giáo Đại thừa. Căn bản chủ yếu trong việc tu hành của Phật giáo Nguyên thủy là hành Thiền, giống như đức Phật khi xưa, hành thiền dưới cội Bồ đề. Đó là: Thiền Chỉ tịnh, Samatha và Thiền Quán minh, Vipassana. (còn gọi là thiền Minh sát tuệ).

Phật giáo Đại thừa giới thiệu nhiều vị Phật và Bồ tát trong kinh A Di Đà, kinh Pháp hoa, kinh Vô lượng thọ … để chúng sinh thờ phượng và để đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử, là muốn có tha lực thiêng liêng phò trì. Vì thế, căn bản chủ yếu trong việc tu hành của Phật giáo Đại thừa là: Niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sinh và Niệm hồng danh Bồ tát để xin cứu độ.

 

Nguyễn Trung Hiếu

dienluc@dslextreme.com

 

 

 

 
 
simple stats
lượt đọc kể từ Mùa Phật Đản 2552 - 2008