Những Phật Tử
Thời Đại Mới
Của Đài Loan
Tâm Phương - Nguyễn Xuân Nam

Trên trang nhất
(front page) của website nổi tiếng BBC (Anh quốc),
phần tin Á châu vào ngày 30 tháng 1, 2014, ngày
giao thừa tại Á châu, đã có một bài viết nổi bật
của nữ ký giả Cindy Bui, từ Đài Loan, với tựa đề
“Meeting
Taiwan's new-age Buddhists”.
Bài này thu hút
ngay sự chú ý của chúng tôi. Vì sao?
Chúng tôi là Phật
tử, thì cũng muốn biết cơ quan truyền thông lớn
của thế giới BBC viết về đạo Phật và Phật tử như
thế nào? Trong tựa đề này còn có một chữ thật
quan trọng, đó là Phật tử thời đại mới (new-age
Buddhists) của Đài Loan, vậy thì Phật tử thời
đại mới là gì, có đặc điểm gì, và khác với Phật
tử truyền thống, Phật tử của thời cũ ra sao?
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn tò mò tìm hiểu về
đạo Phật tại Đài Loan có gì lạ, so với Phật giáo
các quốc gia khác?
Chúng tôi có dịp
đi nhiều nước và nhiều nơi và thăm viếng nhiều
chùa chiền từ Nam Tông đến Bắc Tông, từ Đại Thừa
đến Tiểu Thừa, và cũng có dịp đến Đài Loan nhưng
chưa thật sự hiểu nhiều về Phật giáo của nước
này, nên đây cũng là dịp để đọc, để hiểu thêm.
Tại miền Bắc
California, nơi tôi ở, có một thiền viện Đài
Loan rất nổi tiếng, đó là Chung Tai Zen Center,
hay Zen Center of Sunnyvale. Và đôi khi, chúng
tôi có dịp đến vào dịp đầu năm để lễ Phật và thọ
trai nơi đây. Nhờ vậy, chúng tôi có chút “tiếp
xúc” một chút với Phật giáo Đài Loan, nhưng thật
sự còn ở “bên ngoài” của nền Phật giáo nước này,
chưa thật sự “bước vào bên trong”. Do vậy, bài
viết của Cindy Bui khiến chúng tôi chú tâm khi
mới đọc tựa đề.
Vòng vo ngoài lề
một chút, Phật giáo tuy mới du nhập vào Hoa Kỳ
không lâu, nhưng tại nơi đây, có nhiều tông phái
Phật giáo khác nhau trên thế giới tụ hội về, như
Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Đài Loan, Phật
giáo Tây Tạng, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Sri
Lanka, Phật giáo Thái Lan, kể cả Phật Giáo Việt
Nam (như của thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích
Thiên Ân, Thích Hằng Trường,…) Trong sự đa dạng
đó, Phật giáo Đài Loan có sự hiện hữu khá sinh
động tại Bắc California. Có dịp, chúng tôi sẽ
gửi đến qúy độc giả phóng sự về các tông phái
Phật giáo tại California.
Bài báo nói trên
mở đầu như sau: “Phân loại một đống lớn những
quần áo cũ và các vật dụng gia đình đã sử dụng,
bà Hsiao Hsiu-chu là biểu tượng, là hình ảnh của
một người Phật tử thời đại mới. Là một người về
hưu 63 tuổi thường tu tập Phật giáo bằng cách
cầu nguyện ở các ngôi chùa, thế nhưng bây giờ,
bà ta tình nguyện đi làm thiện nguyện 7 ngày
trong tuần tại một trung tâm tái chế (recycling
center) để gây quỹ cho Giáo Hội Phật Giáo Tzu
Chi của Đài Loan”. Bà Hsiao nói: “Tôi
không có thời gian đi lễ chùa. Cầu nguyện cũng
không quan trọng.
Đến đây mỗi ngày cũng giống như cầu nguyện
vậy”.
Đạo Phật là một
tôn giáo lớn vào hàng thứ tư trên thế giới, có
số Phật tử đông từ nửa tỷ người đến một tỷ người.
Thế nhưng, đây không phải là cách mà hầu hết
Phật tử tu tập Phật giáo trong thế giới nói
tiếng Hoa hay ngay cả trong các Hội Phật giáo
không nói tiếng Hoa. Niềm tin của họ thường là
tịnh tâm, tự hướng về chính mình để cầu nguyện
cho sự phù hộ, che chở trong đời sống hiện tiền
và sẽ được tái sinh vào đời sống tốt đẹp hơn sau
khi qua đời. Đó chính là truyền thống Phật tử tự
tu tập qua bao ngàn năm nay, là cách tu tập của
Phật tử truyền thống.
Thế nhưng, Đài
Loan đang dẫn đạo một phong trào tuy lặng lẽ,
nhưng rất mạnh mẽ, là biến đổi Phật giáo truyền
thống sang Phật giáo thời đại mới, biển đổi
nhiều người như bà Hsiao, từ người chỉ biết tin
tưởng (believers) trở thành nhà hành động
(doers).
Phật tử thời đại
mới không chủ trương đốt tiền vàng mã, không
thắp nhang, vì không có lợi cho môi trường. Đi
chùa cũng không phải là chuyện ưu tiên, ngay cả
nhiều người còn cau mày khi thấy cảnh cầu nguyện
quá nhiều.
Vậy thì Phật tử
thời đại mới chủ trương điều gì?
Bài báo
viết: Tâm điểm hiện nay là những điều mà
người Đài Loan gọi là “Đạo Phật nhân ái” hay “đạo
Phật nhân bản” (humanistic Buddhism), và đó
chính là một đạo Phật quan tâm đến tha nhân, và
vì xã hội. Đạo Phật thời đại mới này đưa Phật tử
trở lại những nguyên tắc căn bản của Phật giáo,
đó là Bát Chánh Đạo, như chánh ngữ (speaking
good words), chánh niệm (thinking good thoughts)
và chánh tinh tiến (doing good deeds).
Theo nhận xét của
Hòa thượng Hsin Bao, chưởng giáo của Hội Phật
Giáo Fo Guang Shan (Phật Quang Sơn) Đài Loan,
thì “theo Đạo Phật, tạo ra công đức cho chính
mình thôi thì chưa đủ, mà Phật tử còn phải tạo
công đức cho người khác. Chúng tôi sẽ cố gắng
giúp đỡ càng nhiều người càng tốt để trút bỏ khổ
đau.” Chính quan niệm này đã giúp các tổ
chức Phật tử hàng đầu của Đài Loan phát triển
theo những đường lối không lường trước được.
Cơ sở Tzu Chi,
phong trào tiền phong của Phật tử thời đại mới,
đã có 7 triệu Phật tử hội viên, gồm cả 2 triệu
Phật tử tại hải ngoại. 100 ngàn tình nguyện viên
của phong trào này có mặt ở khắp nơi trong bộ áo
màu xanh và quần dài màu trắng biểu tượng của
phong trào này. Họ làm nhiều việc như tái chế
các chai nhựa để gây quỹ từ thiện, lo lắng cho
người già sống neo đơn, mang lại sự giúp đỡ cho
những gia đình nghèo nàn, túng thiếu, hay đang ở
trong tình trạng hiễm nguy, dạy kèm cho trẻ em
hay cứu trợ thiên tai…
Một tông phái rất
có ảnh hưởng khác của Đài Loan là Dharma Drum
Mountain (Pháp Cổ Sơn) thường xuyên tổ chức các
lớp “Phật giáo 101” để dạy mọi người cách ứng
dụng Phật pháp vào đời sống.
Trong một lớp học
gần đây cho 200 người, một nhà tâm lý học đã áp
dụng Phật pháp về cách để nhận ra và điều trị
những cảm giác tiêu cực hay bi quan, và làm sao
giải quyết các mối quan hệ gia đình bị gặp phải
các vấn đề phức tạp.
Nhà tâm lý học
Yang Pei đã nói với lớp học: “Giáo
lý của Phật giáo có thể được áp dụng mỗi ngày,
và đâu là chỗ tốt nhất để ứng dụng? Đó chính là
gia đình của bạn.”
Ngoài ra, tông
phái Fo Guang Shan còn tổ chức các trại họp bạn
tuổi trẻ dành cho các em thiếu niên. Giáo sư Kuo
Cheng-tian của trường Đại Học Quốc Gia Chengchi
nói rằng: “Những tổ chức này rất khác biệt
với Phật giáo truyền thống. Họ nhấn mạnh đến yếu
tố cư sĩ (lay believers) điều hành chùa chiền và
các tổ chức Phật giáo, chứ không phải phải là tu
sĩ mới được làm như thế. Họ sử dụng cư sĩ
(ordinary believers) để lãnh đạo các sứ mệnh từ
thiện.”
Hiện nay, không
rõ có bao nhiêu Phật tử trên thế giới này. Phật
giáo không phải là một tôn giáo có tổ chức (institutionalised
religion) và nhiều Phật tử có khi còn tin vào
những tôn giáo khác. Thế nhưng, một số ước đoán
cho rằng có đến nửa tỷ đến một tỷ Phật tử trên
trái đất này. Và Phật giáo là tôn giáo lớn vào
hàng thứ tư trên thế giới.
Điều làm cho Phật
giáo Đài Loan trở nên độc đáo chính là sự nhấn
mạnh đến việc cứu giúp xã hội. Ví dụ như giáo
phái Tzu Chi đã cung cấp cứu trợ cho nạn nhân
thiên tai ở 84 quốc gia, kể cả ở Phi Luật Tân.
Tại đây, giáo phái Tzu Chi đã cung cấp tài chánh
cho 50 ngàn gia đình để xây dựng lại nhà sau khi
bão Haiyen tàn phá. Và dù cho các nhóm Phật tử
về phương diện truyền thống tỏ ra kém năng nổ
trong việc truyền giáo so với các tín hữu Thiên
Chúa Giáo, nhưng truyền thống ấy đang thay đổi.
Các tông phái
Phật giáo lớn ở Đài Loan có các hệ thống truyền
hình riêng, nhà xuất bản riêng, cơ quan thông
tấn riêng, cũng như bệnh viện và trường đại học
riêng. Các tông phái này gửi các tình nguyện
viên đến các trường học để dạy dỗ trẻ em về các
hành vi xử thế tốt đẹp qua những câu chuyện kể.
Nhưng, những tình
nguyện viên này không tỏ ra những nỗ lực để
chuyển đạo đối với người khác đạo. Phát ngôn
nhân Chien Tung-yuan của tông phái Tzu Chi nói:
“Chúng tôi thấy không cần thiết để bạn đổi
đạo. Chúng tôi không nhắm đến việc quy y. Ngay
thoạt đầu, Đức Phật dạy mọi người hãy giúp đỡ
những ai đang chịu khổ đau, không có điều kiện
nào, và cũng không mong đền đáp.” Sự thay
đổi cái cách thực hành Phật giáo không chỉ dẫn
tới sự phục hồi tôn giáo ở Đài Loan và còn bành
trướng ra trên thế giới.
Tông phái Guang
Shan có đến 200 chùa trên thế giới, bao gồm 20
chùa ở châu Âu, 24 chùa ở Mỹ, không phải chỉ cho
người Đài Loan ở ngoại quốc mà còn cho cả các
dân bản xứ ở những nơi chùa tọa lạc.
Tông phái Dharma
Drum Mountain có đến 125 chi nhánh trên thế giới,
trong lúc đó tông phái Tzu Chi có nhiều chi
nhánh ở 48 quốc gia. Tại Malaysia, số Phật tử
nhảy vọt lên từ 100 ngàn đến 1 triệu Phật tử
trong năm qua.
Trong sự bành
trướng Phật giáo ra thế giới, có câu chuyện
“Giòng nước ngược” (1) đáng chú ý. Đó là sự
truyền đạo Phật từ Đài Loan sang Trung Quốc.
Vào năm 1949, khi
Mao Trạch Đông chiếm Trung Hoa lục địa, Quốc Dân
Đảng của tổng thống Tưởng Giới Thạch lúc ấy dẫn
đoàn tỵ nạn sang đảo Đài Loan lập quốc. Trong
đoàn tỵ nạn ấy, có những đại sư, hòa thượng uy
tín của Phật giáo Trung Quốc. Và nhờ những hòa
thượng đạo cao đức trọng này, đạo Phật ở Đài
Loan phát triển vững chắc.
Qua thống kê trên
đây từ Wikipedia (Bách Khoa Toàn Thư Mở) vào năm
2005, thì dân số Đài Loan là 23,036,087 người,
trong đó có 18,724,823 có theo tôn giáo và số
lượng tín đồ của Phật Giáo là 8,086,000, chiếm
35.1%, đạo Lão có 7,600,000, chiếm 33%; Tin Lành
có 605 ngàn tín hữu, chiếm tỷ lệ 2.6%, và Thiên
Chúa Giáo có 298 ngàn người, chiếm 1.3%. Thống
kê này cho thấy Phật giáo giữ địa vị vững vàng
trong xã hội Đài Loan, và từ đó lan ra khoảng 50
quốc gia khác. Ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng
và Đài Loan hiện nay ở Mỹ là rất dữ dội. Ngoài
các hướng bành trướng sang châu Âu, châu Mỹ và
châu Phi, Phật giáo Đài Loan còn chảy một “giòng
nước ngược” (1) cực mạnh vào Trung Hoa lục địa.
Pháp chủ Hsin Bao
của tông phái Phật giáo Fo Guang Shan nói: “Chúng
tôi muốn dùng Đài Loan làm bản địa để truyền bá
Phật giáo sang Trung Hoa lục địa và toàn thể thế
giới.”
Đài Loan cũng sẽ
giúp Trung Hoa lục địa phục hưng Phật giáo. Mặc
dù Phật giáo có lịch sử 2000 năm ở Trung quốc
với những đại sư lừng danh và một nền Phật học
vĩ đại, thế nhưng trong mấy thế kỷ qua, Phật
giáo đã giảm mức ảnh hưởng và tầm quan trọng
trong xã hội và vị thế vì chiến tranh, biến loạn
chính trị, sự hoài nghi và cũng vì sự chú trọng
đối với hiện đại hóa.
Ngày nay, hàng
triệu người Trung Quốc nghe băng thuyết pháp của
các đại sư Đài Loan qua DVD và MP3. Họ tải xuống
những bài giảng pháp từ trang mạng và truyền bá
với nhau cũng bằng trang mạng.
Nhờ vào mối bang
giao giữa hai cựu thù Trung Hoa lục địa và Đài
Loan đang được cải tiến, cho nên nhiều tu sĩ
lãnh đạo Phật giáo cũng như Phật tử Trung hoa có
dịp sang Đài Loan. Và Phật tử Đài Loan cũng dễ
dàng hơn để truyền bá Phật pháp sang Hoa lục,
ngay cả dưới hình thức ít ồn ào như qua trùng tu
chùa chiền và khuyến khích các câu lạc bộ tụng
kinh, giống như các nhóm nghiên cứu Thánh kinh
vậy.
Nhờ ảnh hưởng của
lời kêu gọi từ cố Hòa thượng Taixu về dự cống
hiến cho xã hội để đạt đến giác ngộ, chính các
hòa thượng và Phật tử đã thực hiện được ý niệm
này. Phật giáo thời đại mới còn chịu sự ảnh
hưởng của đạo Tin Lành, ít ra trong lãnh vực làm
từ thiện.
Hiện nay, sự tăng
trưởng của sự giàu có ở Đài Loan cũng có nghĩa
rằng giai cấp trung lưu, nhất là giới lão niên,
có nhiều tiền của và thời gian để giúp đỡ tha
nhân, bởi vì họ cũng cần tìm ý nghĩa cho cuộc
đời của họ.
Trở lại câu
chuyện ở trên, nhiều quần áo cũ được đưa đến
trung tâm tái chế để cho bà Hsiao phân loại. Bà
nói rằng việc ứng dụng Phật Pháp đã mang lại cho
bà sức mạnh đủ để vượt qua cái chết đột ngột của
người mẹ và cả việc cải thiện mối quan hệ của bà
với các con cái.
Bà Hsiao tâm sự:
“Điều đó đã mở ra cái nút thắt trong tim tôi”.
Rồi bà khuyên các Phật tử khác: “Không
chỉ tin vào đạo Phật, mà hãy làm một điều gì đó
để giúp tha nhân.”
Phật giáo ở Trung
Hoa
Với tình trạng
căng thẳng đang gia tăng trong một xã hội đang
đổi thay nhanh chóng, người dân Trung Quốc đang
ngày càng chuyển sang Phật giáo. Thế nhưng, theo
học giả Fu Xinyi của trường đại học Nanjing,
chuyên về Phật học, thì trong lúc nhiều tiền bạc
đổ vô việc xây dựng lại chùa chiền vốn bị phá
hủy trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, và trong lúc
chùa chiền thu được nhiều tiền từ tiền vé vào
cửa hay tiền cúng dường, chùa chiền ở Trung Quốc
không có thói quen giúp đỡ xã hội. Giáo sư Fu
nói trên nhận xét: “Họ
xây dựng chùa vì du lịch, vì tiền, nhưng họ
không biết truyền bá Phật pháp. Đây là điều đáng
tiếc. Xã hội có quá nhiều vấn đề, Phật giáo phải
đóng vai trò giúp đỡ con người và hướng dẫn tâm
linh cho họ.” Giáo sư nói rằng Trung
quốc có thể học từ Đài Loan, nhưng sự nghi ngờ
của chính phủ về tôn giáo đã hạn chế Phật tử Đài
Loan truyền bá một “Đạo Phật Nhân Bản”, hay đạo
Phật thời đại mới, sang Trung quốc.
Giáo sư Fu nói: “Họ
có thể truyền bá Phật pháp, thế nhưng hành động
của họ không to lớn như tại Đài Loan, vì chính
phủ cảm thấy bị đe dọa.” Dẫu vậy, lãnh tụ
Trung quốc và nhân dân Trung quốc đang trở nên
ngày càng quen thuộc hơn với Phật giáo Đài Loan.
Tzu Chi là tổ
chức tôn giáo phi chính phủ đầu tiên của ngoại
quốc được giấy phép thiết lập một chi nhánh ở
Trung quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình vừa tiếp Hòa
thượng chưởng môn của tông phái Fo Guang Shan,
một tu sĩ được ngưỡng mộ ở Trung hoa lục địa.
Các lãnh tụ Trung
Hoa lục địa đang ý thức rằng Phật giáo có thể là
một lực ổn định hóa trong xã hội.
Tâm Phương -
Nguyễn Xuân Nam
(theo Calitoday)
*Ghi chú: (1)
Giòng Nước Ngược: Tựa sách bút ký hành hương Ấn
Độ, Nepal của Tâm Phương Nguyễn Xuân Nam


|