Tinh thần Phật
giáo thống nhất:
THỐNG HỢP TRONG
THANH TỊNH
Trần Kiêm Đoàn
Đạo Phật
có trên hai mươi lăm bộ phái và 2500 năm lịch sử.
Con đường tồn tại và phát triển của đạo Phật cho
đến ngày hôm nay về mặt lý thuyết cũng như thực
hành là con đường Trung Đạo. Cho nên, trung đạo
là chánh đạo. Nghiêng lệch một ly là đi một dặm.
Vũ khí thiện xảo nhất của Phật giáo dùng để đối
trị với những thế lực đối nghịch – đối nghịch tự
thân phát xuất từ bên trong và đối nghịch ngoại
cảnh tác dụng từ bên ngoài – là tinh thần Trung
Đạo. Cốt tủy của Trung Đạo là nền tảng của Kim
Cang, Bát Nhã Ba La Mật. Đó không phải là một
khái niệm mang tính siêu đẳng, thần chú kinh
điển mà chỉ là sự đơn giản của cuộc sống: Tâm
không dính mắc thì trí không điên đảo; trí không
điên đảo thì thân tâm đều an tịnh. Đã không
nghiêng qua bên nầy thì làm sao cần phải lệch
qua bên kia. Trung đạo rất đơn giản là con đường
như như, rỗng lặng. Một trạng thái thống hợp nội
tâm và ngoại cảnh mà trong nhiều trường hợp chỉ
có thể cảm thông chứ không thể giải bày.
Một buổi trưa mùa
Xuân năm 2013, được gặp lại nhạc sĩ Lê Cao Phan
tại nhà anh ở đường Mạc Đỉnh Chi, thành phố Vũng
Tàu sau gần hai mươi năm không liên lạc, là một
cuộc hội ngộ tình cờ nhưng đầy thú vị. Anh đã
vào tuổi 90 và cũng là một Huynh trưởng Gia Đình
Phật Tử Việt Nam thế hệ đàn anh nên chúng tôi
vẫn gọi nhau bằng “anh, em” theo truyền thống.
Trong câu chuyện thân tình đầy đạo vị, khi nói
về nhạc phẩm đã trở thành đạo ca bất hủ của anh
là bản nhạc Phật Giáo Việt Nam mở đầu bằng câu:
“Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Trung, Nam
từ đây…” mà anh đã sáng tác vào dịp đại hội
Thống Nhất Phật Giáo Bắc-Trung-Nam tại chùa Từ
Đàm Huế tháng 5 năm 1951, anh mỉm cười nhẹ nhàng,
nói lên một chút suy tư như nguồn tâm sự về tinh
thần của bản nhạc, rằng: “Thống nhất là thống
hợp chứ không phải là thống lãnh hay thống trị…!”
Chia tay anh, từ
năm ngoái đến bây giờ, tôi vẫn suy nghĩ như một
quán niệm về ý tưởng “thống nhất là thống hợp
chứ không phải là thống lãnh hay thống trị” khi
đem áp dụng vào hiện trạng của Phật giáo Việt
Nam.
Khái niệm
“thống nhất” trong xã hội và nếp sinh hoạt
phương Đông bị ảnh hưởng nặng nề từ cách diễn
đạt cường điệu phát xuất từ văn hóa Trung Hoa,
khi họ tự cho mình là trung tâm (Trung Hoa,
Trung Quốc) của trời đất, hoàn vũ nên vua Tàu là
“con Trời”, một kẻ có quyền uy tuyệt đối gồm
thâu hết cả sơn hà đại địa về một mối nằm trong
tay mình. Bởi thế, từ trong tinh thần nguyên
thủy của “thống nhất” Việt Nam và phương Đông đã
vô hình chung mang mầm thống trị của một kiểu
siêu nhân người máy… Tàu: Nhất cử, nhất động của
thế cuộc và dân sinh đều do vị Con Trời bấm nút.
Tới chỗ đa ngôn đa quá, nói cho hả hê thần khẩu,
nhưng chỉ là hình thức màu mè, không có thật như
“đồng tâm nhất trí, muôn người như một”; dẫu cho
theo nghĩa đen hay nghĩa bóng gì thì đấy cũng
chỉ là một lối nói cho “lại được” không thể ứng
dụng vào thực tế xã hội con người.
Thế giới
càng văn minh tiến bộ thì càng kết hợp và chuyển
tải sức mạnh của khái niệm thống nhất bằng tinh
thần liên kết của sự “thống hợp” (united) chứ
không phải thống lãnh (unified) như: Liên hợp
Quốc (United Nations), Hợp chủng Quốc (United
States), Hoàng gia Anh (United Kingdom)…
Riêng với
đạo Phật, đặc biệt là đạo Phật Việt Nam thường
xuyên phải đối diện với những thế lực trù yểm
ngoại bang và ngoại đạo, nên khuynh hướng Thống
Nhất là một nhu cầu thường hằng nhằm tạo ra một
nề nếp sinh hoạt truyền thống lý tưởng nhất:
Tăng già hòa hợp, Tứ chúng đồng tu. Tự bản chất,
đây là một khuynh hướng “tự giác, giác tha” lợi
mình, lợi người trong tinh thần công bằng và
giải thoát chứ không nhằm khống chế hay thống
trị ai cả nên chẳng làm đau một ngọn lá trên
cành!
Đến với
đạo Phật từ ngày còn bé theo mẹ đến chùa làng,
tâm hồn tôi được tưới tẩm trong suối nguồn thanh
tịnh, an hòa của đạo Phật. Cảm nhận theo quán
tính, rằng là, chùa là cửa Phật, tu sĩ là sứ giả
của Như Lai, bạn đạo là bà con trong nhà họ
Thích… nên đến chùa là chỉ có công phu và lễ bái.
Hễ ai có một lời nói hay một cử chỉ nào mang
tinh thần phê phán hay thiếu phục tòng quý Tăng,
Ni thì sẽ nhận ngay tiếng thì thào của ai đó hay
của chính mình là… “đừng nói mà mang tội lút đầu”
(?!) Nghĩa là đến chùa là đến đất thiêng chỉ để
tụng kinh, niệm Phật cầu hồng ân Tam Bảo độ trì
và cứu khổ, cứu nạn. Tuổi trẻ Phật tử chúng tôi
đã mang tinh thần đó ra khỏi chùa, xuống đường,
xuống phố, tới sân trường, vào lớp học trong
những năm 1960 để tự vệ và bảo vệ Đạo pháp; năm
1966, để vâng lệnh và bái vọng quý thầy.
Kẻ viết
những dòng nầy xin đảnh lễ sám hối trước khi tự
nhận rằng, mình là một Phật tử khá thuần thành;
nếu có chăng khái niệm “thuần thành” đó là do
lòng tin sâu xa vào kinh điển qua lời dạy của
đức Phật, do tâm thành đối với Pháp và đặc biệt
là sự kính ngưỡng không điều kiện đối với quý
Tăng Ni. Cũng như các Phật tử đã quy y Tam Bảo,
tôi vẫn thường cung kính đến chùa lễ Phật, kỉnh
Tăng với một thái độ phục tòng khâm tuân khi cho
rằng: “Ai tu nấy chứng, ai hứng nấy tội” hay
“Tăng Ni tu hành theo cách riêng của quý Ngài,
mình là Phật tử chỉ biết tin theo; đừng có phán
xét mà mang tội lút đầu!” như đã trình bày ở
trên.
Quan niệm tưởng
chừng như “phá chấp” nhưng nặng tính tiêu cực
một chiều đó của nhiều thành phần Phật tử như
tôi kéo dài hơn nửa thế kỷ nay, phải chăng vô
hình chung và trực tiếp hay gián tiếp, đã góp
phần hình thành một đạo Phật Việt Nam “NĂM
KHUYẾT” như hiện nay: (1) Thiếu hàng giáo phẩm
tôn túc lãnh đạo. (2) Thiếu một hệ thống tổ chức
Phật giáo Việt Nam thống nhất. (3) Thiếu sự hòa
hợp của tăng già. (4) Thiếu tinh thần lục hòa
đồng tu của tứ chúng. (5) Thiếu chánh niệm và
thanh tịnh làm căn bản tu hành.
Nguyên nhân và
hậu quả của “năm không” ngày nay cần phải có cả
một pho sách mới ghi hết. Tuy nhiên, trong tinh
thần “mỗi giọt nước đều mang đủ tính chất của
biển khơi và mỗi hạt bụi đều có sẵn yếu tính của
vũ trụ” thì khuynh hướng tách giọt nước ra khỏi
biển khơi và phủ nhận tính vũ trụ trong hạt bụi
đã tác tạo một tinh thần thống trị hay thống
lãnh thay cho thống hợp khi nói đến tinh thần
thống nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Trong thế hệ
chiến tranh Việt Nam, người Phật tử – kẻ im lặng
buông xuôi, người lên tiếng phản bác – đều cảm
thấy hay nhận rõ sự phát triển hình thức (hay
phân hóa tổ chức) đang trên đà lan rộng. Từ Tổng
hội Phật giáo Việt Nam thành lập từ năm 1951 đến
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (viết tắt
là GHPGVNTN) thành lập vào tháng 1 năm 1964; cho
đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) do
chính quyền Việt Nam thành lập năm 1981 và hàng
chục giáo hội, tăng đoàn như hiện nay là một
bước thoái trào hay phát triển của đạo Phật Việt
Nam trong thế kỷ này?
Câu trả lời khá
thông thường là:
Nếu đứng về mặt
hình tướng, sở chấp đời thường thì đạo Phật Việt
Nam trong cũng như ngoài nước đang phát triển
tốt đẹp với nhiều chùa viện, tượng đài được tu
bổ và xây dựng với tốc độ nhanh và quy mô lớn.
Số lượng tu sĩ trẻ và người đi chùa ngày càng
đông. Kinh sách ấn tống, phiên dịch, băng đĩa
thuyết pháp, các khóa tu và lễ hội được thực
hiện, phát hành và tiện dụng khắp nơi.
Nhưng đứng về mặt
hoằng hóa đạo pháp và tu trì nghiêm mật theo
truyền thống Cửa Thiền thì rõ ràng sinh hoạt
Phật giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước
đang đứng trước những dao động, khó khăn đầy thử
thách của thời đại.
Tác động của cuộc
cách mạng truyền thông đại chúng với sự phát
triển theo tốc độ chóng mặt của dòng máy vi
tính, điện tử, mạng lưới thông tin toàn cầu đã
đưa tất cả mọi hình thức tôn giáo – nói chung –
lên đài kiểm nghiệm. Những góc khuất của lịch
sử, những huyền thoại tâm linh, những trang
hoàng rồng phượng, những bí tích thánh thần… của
các tôn giáo đều có ánh sáng của trí tuệ khoa
học thực dụng soi rọi vào. Trước những ống kính
quan sát từ bốn phương tám hướng, đạo Phật vẫn
đứng vững chải trong mọi vấn nạn của tín điều,
tín lý qua muôn vàn thử thách trong thời đại
mới. Tín lý “vô thượng, thậm thâm vi diệu pháp”
của đạo Phật vẫn trở thành trí tuệ của đức tin.
Đức tin tồn tại
cũng như đốm lửa cháy; nghĩa là phải có nguồn
năng lượng. Năng lượng thừa thì lửa loạn, năng
lượng vừa thì lửa đều và năng lượng thiếu thì
lửa tắt. Nếu có khủng hoảng thừa thì cũng có
khủng hoảng thiếu. Tu hành là đi trên đường
Trung Đạo, tránh hai thế cực đoan thừa và thiếu
để giữ tâm thanh tịnh – nhất tâm bất loạn – trên
đường Đạo.
Xưa đức Phật rời
bỏ cung điện, quyết chí tìm đạo và đắc đạo dưới
bóng cây, trong rừng già thì thời nay không ít
người làm ngược lại. Nhiều hành giả, thay vì giữ
tâm thanh tịnh, xa lìa trần cấu để tâm rỗng lặng
tu trì, thì lại vọng động, vọng hành đầy nghịch
hạnh vì mãi chạy theo những hình thức phàm trần
như sở hữu vật chất, say đắm với giả vị hư danh,
mãi mê dính mắc với chùa to tượng lớn. Người tu
khi đã ra khỏi cương lĩnh của luật tắc thiền môn
(bất trì Giới) rồi thì lòng không còn an tịnh
(bất sở Định) nên con đường quán chiếu trí huệ
cũng bế tắc (bất nhiếp Tuệ). Giới-Định-Tuệ không
thông thì con đường chánh giác cầu qua bờ giải
thoát bên kia chỉ còn là ảo tưởng.
Như trường hợp
Thái Lan là xứ sở mà từ vua quan, đến dân dã đều
một lòng sùng bái đạo Phật; thế nhưng khi nhìn
dưới khía cạnh công hạnh tu trì thì thiền sư
Ajahn Chah, một danh tăng phái Ẩn Lâm Thái Lan,
đã nhận định qua bài giảng “Sự Siêu Việt” như
sau: “Người ta nói rằng Phật Giáo đang hưng
thịnh tại Thái Lan, nhưng theo tôi thì nó đang
suy thoái trầm trọng. Các giảng đường thuyết
pháp rộng mênh mông luôn đầy người, nhưng họ đặt
Tâm không đúng chỗ, ngay cả những thành viên cao
tuổi đạo trong cộng đồng tôn giáo cũng vậy. Họ
đang dẫn nhau đi sâu vào con đường ảo tưởng,
quay lưng với Chánh đạo. Họ tụng kinh, nhưng
tụng với sự mê muội, không phải với Trí huệ. Họ
giảng Pháp nhưng thật sự đang dạy người ta đi
sai đường và nắm giữ những điều dối trá. Đáng lẽ
họ phải tự giúp mình và giúp người đi vào suối
nguồn của sự tu hành chân chính là nhìn thấy Tự
ngã rỗng không, không có tự tánh, xa lìa mộng
tưởng điên đảo; thì đằng này, người ta đang nói
pháp, hành pháp để củng cố bản ngã của họ, tâm
dính mắc vào lợi lạc, hư danh…”
Nhận xét của sư
Ajahn Chah ở Thái Lan khiến chúng ta phải suy
gẫm nghiêm túc về tình hình Phật giáo Việt Nam
mình. Sẽ không tạo ra được tác dụng tích cực nào
nếu chỉ đào sâu những mặt suy yếu và tiêu cực
của đạo Phật Việt Nam hiện nay vì hầu như ai
cũng nhìn thấy rõ. Việc chấn chỉnh nội bộ hay to
tát hơn là vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam
mới chính là một nhu cầu thiết thực để hiện đại
hóa đạo Phật nhằm vào 3 mục đích chính: Cải
thiện tổ chức, phát huy sinh hoạt hoằng pháp và
tu học, thanh lọc nạn lợi dụng cửa thiền và mê
tín dị đoan.
Công cuộc chấn
hưng của một tôn giáo hay của bất cứ một tập thể,
tổ chức chuyên môn hoặc xã hội nào cũng cần quan
tâm đến hai lực chuyển đổi chính là: Xây dựng
lại và làm mới lại (reform = rebuild + renew).
Và điểm then chốt của hầu hết các cuộc cách
mạng, cao trào thay đổi hay phong trào chấn hưng
đều bắt đầu bằng sự chuyển đổi cách nhìn, cách
nghĩ và cách làm. Hay nói một cách thời thượng
hơn là “thay đổi não trạng” (shift of mentality)
về cách hành đạo, hộ đạo và sống đạo.
Với hiện tình đạo
Phật Việt Nam thì cái “não trạng” cần phải thay
đổi là: Thống nhất là thống hợp chứ không phải
là thống trị. Đó là một quá trình khẳng định
tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận sự hợp tác và
loại bỏ vọng kiến tự tôn tự đại cho rằng chỉ có
mình là đúng và bắt người khác phải theo mình.
Nguyên nhân sâu xa và đồng thời cũng là nguyên
nhân trực tiếp của sự phân hóa nội bộ Phật giáo
Việt Nam như hiện nay là do tâm lý thống trị.
Mọi đơn vị nhỏ như chùa, khuôn hội, đạo tràng
hay tăng phái hiện nay đều đang có chiều hướng
trở thành một đơn vị tự trị, độc lập, nắm riêng
các mặt nhân sự, quần chúng Phật tử, cơ sở chùa
chiền, tài chánh thu chi và nghi lễ tu học hay
sinh hoạt. Bất cứ một tập thể chính trị, xã hội
hay tôn giáo nào, nếu không có một hệ thống hàng
dọc lãnh đạo và tổ chức thì khó tránh được tình
trạng “loạn sứ quân”. Nếu không có một hệ thống
hàng ngang để trao đổi, bổ khuyết và chia sẻ thì
sẽ đưa đến tình trạng độc đoán, cô lập.
Một hiện thực
đang trở thành “bất thối chuyển”, nghĩa là không
thể xóa bài làm lại được, là hiện tượng tự ý
thành lập đạo tràng, tăng phái, tăng đoàn, giáo
hội đang phát triển khá nhanh chóng và phức tạp
trong cộng đồng đạo Phật Việt Nam. Dẫu sai hay
đúng, dẫu chính thống hay vay mượn danh nghĩa
thì cũng chẳng có ai quan tâm hay có biện pháp
chế tài nếu sai và năng lực hỗ trợ nếu đúng.
Nguyên nhân là vì không có lãnh đạo thực sự mà
chỉ có những danh vị hão huyền và những danh từ
đao to búa lớn, miễn sao thu hút được quần chúng
đóng góp vật chất tiền tài theo cách nói sáo mòn
đến tối tăm trơ nghĩa thời nay là “tùy duyên”!
Trước một hoàn cảnh như thế, muốn thống nhất thì
phải có sự khởi đầu trong tinh thần thống hợp.
Thế hệ đàn anh
thời “hoa sen trong biển lửa” đang lụi tàn. Thế
hệ đàn em thời “biển lửa giữa hoa sen hay hoa
sen trên đá” đang từng bước kế thừa. Cái nghịch
lý thời đại quả nhiên làm cho người ta phân vân
tự hỏi như thiền sư Thanat Chomkin viết trong
Kinh Sử Thiền Môn (Zen Historical Sutra) : “Ô
hay, một thời đại nghịch lý đang diễn ra đó sao?!
Càng có nhiều phương tiện thông tin liên lạc
thiện xảo nhất, người ta lại càng hiểu lầm nhau
nhiều hơn. Cũng như càng hô hào tự do dân chủ
nhất, người ta lại càng độc đoán, chấp ngã nhất.
Trên con đường tu hành của đạo Phật, hành động
“phá ngã” quyết liệt và nhất quán là tôn trọng
sự khác biệt; cũng như luôn mở rộng lòng đón
nhận những cái mới với tấm lòng tưởng như ngây
ngô mà lại đại hùng, đại lực như hải triều âm
của Bồ tát Thường Bất Khinh, người gặp bất cứ ai
cũng chắp tay vái chào cung kính: ‘Xin chào một
đức Phật tương lai!’…”
Khi nói đến những
vấn đề của Phật giáo Việt Nam đương đại, đã có
rất nhiều câu trả lời, nhưng tựu trung cũng
chẳng khác gì nhân vật già đời của Vũ Trọng
Phụng mệt mề lên tiếng: “Biết rồi, khổ lắm, nói
mãi…” Càng lý sự, phân tích, phân biệt thì càng
xa nhau. Thiên lý, vạn lý nhưng không qua khỏi
nhịp cầu cảm thông trong im lặng.
Trong nhiều thập
niên qua, đã có khá nhiều nhân vật thành danh
trong cộng đồng đạo Phật Việt Nam lên tiếng.
Nhưng tất cả đã rơi vào im lặng vì chỉ nói đến
thống nhất, đạo đồng mà không xác định được một
điểm khởi đầu… sinh tử: Đó là thống hợp!
Nhớ bác Tâm Minh
Lê Đình Thám, nhớ Thầy Quảng Đức, nhớ Quách Thị
Trang, nhớ bao nhiêu người đã hy sinh vì Đạo
pháp và dân tộc, người Phật tử Việt Nam phải nói
lời chân thật bên nhau rằng, chúng ta cần hóa
giải, chúng ta cần thống hợp.
Như thế, dưới ánh
sáng từ bi và trí tuệ: Tinh thần Thống Nhất của
Phật giáo là thống hợp Bi – Trí – Dũng chứ không
phải là thống lãnh hay thống trị.
Sacramento, ngày đầu Thu của Mỹ: 22-9-2014
Trần Kiêm Đoàn
|