Có 49 Ngày và
Thân Trung Ấm không?
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Lời thưa: Câu
hỏi của số đông phật tử tu tập theo truyền thống
Bắc tông, là “Khi người thân qua đời phải mời
quý Thầy đến làm lễ phát tang, nhập liệm, cúng
cơm rồi cúng tuần, cúng 49 ngày, 100 ngày để
siêu độ vong linh – như thế có đúng không thưa
thầy? Và theo Nam truyền thì nghi thức cúng
kiếng ấy ra sao?”
Chủ đề này nói
theo ngôn ngữ hiện nay là quá “nhạy cảm”; nhưng
vì có quá nhiều người hỏi nên tôi chẳng đặng
đừng. Tôi đã có dự định không viết nữa, không
trả lời gì nữa sau bài trả lời số 9, tuy nhiên
do tâm nguyện tha thiết của nhiều người học Phật
muốn biết rõ về quan niệm ấy theo Phật giáo Nam
tông nên tôi lại phải “múa bút” và tôi cũng sẵn
sàng nhận chịu những phản hồi không đồng quan
điểm.
Muốn trả lời trọn
vẹn, đầy đủ và rõ ràng, chủ đề này tôi sẽ trình
tự đi theo ba bước:
– Nguồn gốc (xuất
xứ) 49 ngày và thân trung ấm.
– Hiện tượng chết
và tái sanh.
– Nghi thức thiết
lễ và “cầu siêu” theo truyền thống Nam tạng.
I- Nguồn gốc (xuất
xứ) 49 ngày và thân trung ấm.
1- Manh nha từ
thế kỷ I, II sau Phật Niết-bàn, đến kỳ kết tập
Phật ngôn lần thứ ba, khoảng 216 năm thời đại đế
Asoka thì Phật giáo Ấn Độ đã phát sanh nhiều học
phái, chia làm 2 nhóm:
– 11 học phái
được tách ra từ Theravāda.
– 16-18 học phái
cải cách có khuynh hướng đại chúng, gọi là Đại
chúng bộ.
Trong
26-28 học phái này thì chỉ có Tuyết Sơn bộ
(Hemavantavāda) và phái Hoá Địa bộ
(Mahisāsakavāda) thuộc nhóm thứ nhất là có quan
niệm về thân trung ấm, được xem là sớm nhất. Và
thân trung ấm thời này có tên là Antarabhava.
Antara là khoảng giữa, ở giữa, chỗ lưng chừng;
còn bhava là hữu, là có, là tồn tại – có nghĩa
là “tồn tại ở khoảng giữa, chỗ lưng chừng!” .
Lưu ý ở đây là không có từ ấm. Ấm hay uẩn là
được dịch từ khandha, cái che đậy, cái che lấp,
cái chồng chất làm cho chúng sanh không thấy
được cái thực, cái sự thực, cái chân lý (còn có
nghĩa là nhóm, tích chứa). Vậy, ấm này cũng là “hậu
tác” để thích dụng cho ngữ cảnh, ngữ nghĩa nào
đó mà người ta muốn “lập tri”.
2- Tìm thấy thân
trung ấm ở trong Đại tỳ-bà-sa luận: Luận này là
của Long Thọ, được trước tác khoảng chừng thể kỷ
thú I TL.
Luận này dạy
Bồ-tát niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh về thế
giới Cực lạc, dạy phương pháp sám hối, khuyến
thỉnh, tùy hỉ và hồi hướng để được vào địa vị
Bất thối. Đây là cách thức, không chỉ sơ tâm
Bồ-tát mà cả phàm phu, ai cũng làm được mà đạt
kết quả cao! Có những câu khinh chê Thanh Văn,
Duyên Giác đến tận đáy địa ngục: “Rơi vào địa
ngục không đáng sợ bằng rơi vào hàng Nhị thừa!”.
Đọc ở đâu cũng không thấy tu tập định tuệ mà chỗ
nào cũng nói đến tha lực, oai lực siêu nhiên;
chỗ nào cũng lễ lạy, xưng tán hồng danh Phật này,
Bồ-tát kia (có cả nhiều trang tên Phật, tên
Bồ-tát) là có thể có tất cả trí tuệ, công đức,
phước báu vô lượng! (Người ta cũng nói thân
trung ấm ở trong Đại thừa nghĩa chương, ở trong
luận Câu Xá, ở trong luận Tỳ-bà-sa của Thế Hữu –
nhưng người viết chưa có thì giờ nghiên tầm).
3-
Tìm thấy dấu ấn rõ ràng nhất là ở trong Tử thư
Tây tạng, khoảng thế kỷ thứ 14, được cho là do
tổ Liên Hoa Sinh thuyết giảng hoặc tâm truyền.
Đây được xem là những khai thị cho những người
sắp chết.
Tôi đọc được ở
trang Wikipedia: “Giai đoạn của cái chết được
chia làm ba phần, liên hệ chặt chẽ với Tam thân
Phật:
– Trong giai đoạn
đầu ngay sau khi chết, Pháp thân (sa. dharmakāya)
xuất hiện dưới dạng Tịnh quang (sa. ābhāsvara),
ánh sáng rực rỡ;
– Trong giai đoạn
hai, Báo thân (cũng gọi là Thụ dụng thân, sa.
saṃbhogakāya) xuất hiện dưới dạng Ngũ Như Lai
hay Phật gia (sa. buddhakula), gồm hình dáng các
vị Phật với những màu sắc khác nhau;
– Trong giai đoạn
ba, Ứng thân (sa. nirmāṇakāya) xuất hiện dưới
dạng sáu đường tái sinh (Lục đạo) của Dục giới (Vòng
sinh tử, sa. bhavacakra).
Trong cả ba giai
đoạn đó, thần thức của người chết có thể đạt
giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để
nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu
hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn”.
Thật lạ lùng và
cũng thật là “bí diệu” thay! Có thể dẫn dắt thần
thức đến chỗ giải thoát, Niết-bàn – chẳng cần
công phu hành đạo, chẳng cần tu tập giới định
tuệ gì cả, khoẻ re!
4-
Và cuối cùng, thân trung ấm được Trung Quốc và
Việt Nam tiếp thu, lan tràn khắp nơi là do kinh
Điạ Tạng. Bộ kinh nầy, toàn bộ nội dung là khen
ngợi, xưng tán danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng. Và
chỉ cần như vậy thôi sẽ “có được” tất cả sở cầu,
sở nguyện như ý!
Ta hãy cùng xem
khen ngợi, xưng tán như thế nào?
– Về đời sau, nếu
có trang thiện nam, người thiện nữ nào nghe danh
tự của Địa-Tạng Bồ-tát, hoặc khen ngợi, hoặc
chiêm ngưỡng vái lạy, hoặc xưng danh hiệu, hoặc
cúng dường, nhẫn đến vẽ, khắc, đắp, sơn hình
tượng của Địa-Tạng Bồ-tát, thời người đó sẽ được
một trăm lần sanh lên cõi Trời Đao Lợi, vĩnh
viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo.
– Trong đời sau,
như có chúng-sanh không làm lành, mà làm ác,
nhẫn đến kẻ chẳng tin luật nhơn quả, kẻ tà dâm,
vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt, ác khẩu, kẻ hủy báng
Đại Thừa. Những chúng-sanh có tội nghiệp như thế
chắc phải bị đọa vào ác đạo. Nếu gặp được hàng
Thiện-tri-thức khuyên bảo quy y với Ngài
Địa-Tạng Bồ-tát chừng trong khoảng khảy móng tay,
những chúng-sanh đó liền đặng thoát khỏi báo khổ
nơi ba ác đạo.
– Như có kẻ thiện
nam hay người thiện nữ nào hoặc là họa vẽ hình
tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát rồi chừng một lần
chiêm ngưỡng, một lần đảnh lễ, người đó sẽ được
sanh lên cõi Trời Đao Lợi một trăm lần, không
còn phải bị sa đọa vào ác đạo nữa.
– Nếu có người nữ
nào chán thân xấu xí và nhiều bịnh tật, đến nơi
trước tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát chí tâm
chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa
ăn, người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sanh
được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bịnh
tật. Người nữ xấu xí đó nếu không nhàm thân gái,
thời trăm nghìn muôn ức đời thường làm con gái
nhà Vua cho đến làm Vương Phi, dòng dõi nhà quan
lớn cùng con gái các vị đại Trưởng Giả, tướng
mạo đoan trang xinh đẹp…
– Như có người
thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước
tượng của Địa-Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ
nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng
dường, cho đến khuyến hóa được một người hay
nhiều người. Những hạng người đó ở trong đời
hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được trăm
nghìn vị Quỉ Thần ngày đêm theo hộ vệ còn không
cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống
là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!
– Giả sử như thần
thức của người bịnh đã phân tán đến hơi thở đã
dứt, thời hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn
ngày cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch
và lớn tiếng tụng kinh nầy. Sau khi người bịnh
đó mạng chung thời dầu cho từ trước có tội vạ
nặng, nhẫn đến năm tội vô gián, cũng được thoát
khỏi hẳn, thọ sanh vào đâu cũng thường nhớ biết
việc đời trước. Huống nữa là người thiện nam,
người thiện nữ nào tự mình biên chép Kinh nầy,
hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ
hình tượng của Bồ-tát, cho đến bảo người khác vẽ
đắp, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều
lợi lớn.
– Như đời sau nầy
có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc
tớ gái nhẫn đến những kẻ không được quyền tự do,
rõ biết là do tội nghiệp đời trước gây ra cần
phải sám hối đó, thời nên chí tâm chiêm ngưỡng
đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát. Rồi
trong bảy ngày niệm danh hiệu của Ngài Địa-Tạng
Bồ-tát đủ một muôn biến. Những người trên đó sau
khi mãn báo thân hạ tiện ở hiện đời, trong nghìn
muôn đời về sau thường sanh vào bực tôn quí,
trọn không bao giờ còn phải sa đọa vào ba đường
ác khổ nữa.
– Vì thế [nên,
nếu ông thấy có người nào đọc] tụng Kinh nầy,
cho đến chỉ trong một niệm ngợi khen Kinh nầy,
hoặc là có lòng cung kính đối với Kinh, thời ông
cần phải dùng trăm nghìn phương chước khuyến hóa
người đó, phát lòng siêng năng chớ đừng thối
thất, thời có thể được trăm nghìn muôn ức công
đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.
– Như có người
nam người nữ nào nghe danh hiệu của đức Phật đây
mà tạm thời sanh lòng cung kính, liền đặng siêu
việt tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp, huống
là vẽ đắp hình tượng cúng dường tán thán! Người
nầy được vô lượng vô biên phước lợi.
– Như có người
nam người nữ nào được nghe danh hiệu của đức
Phật đây, phát tâm quy y với Phật trong khoảng
khảy móng tay, người nầy trọn hẳn không còn thối
chuyển nơi đạo vô thượng chánh giác.
– Trong đời sau,
như kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp Kinh
điển đại thừa hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu
Kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng cung kính
ngợi khen, bố thí cúng dường, người ấy được quả
báo lớn vô lượng vô biên. Nếu có thể đem phước
đức hồi hướng cho khắp pháp giới chúng-sanh thời
phước lợi nầy không thể ví dụ thế nào cho được.
– Trong đời sau,
như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa
tháp và Kinh điển đại thừa, nếu là Kinh tháp mới
thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi
khen chắp tay cung kính. Nếu gặp Kinh tháp cũ,
hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng
mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng
đồng phát tâm. Những người đồng phát tâm đây,
trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ.
Còn vị đàn-việt chánh đó thường làm vua Chuyển
Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các
nước nhỏ.
– Trong đời sau,
như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội
phước lành đã gieo trồng trong Phật Pháp, hoặc
là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp,
hoặc sửa sang Kinh điển, cho đến chừng bằng một
sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt
nước. Những sự lành như thế không luận là nhiều
ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới
chúng-sanh, thời công đức của người đó trong
trăm nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng
diệu. Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong
nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời
sẽ hưởng quả vui trong ba đời, cứ làm một phần
sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần
trội hơn.
Đấy là “khen”, còn “chê” thì chết:
– Trong đời sau,
như có người ác và ác thần, ác quỉ nào thấy kẻ
thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính, cúng
dường ngợi khen chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng
của Ngài Địa-Tạng Bồ-tát, mà vọng sanh khinh chê
là không có công đức cùng không có sự lợi ích,
hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng hay
chê trước mặt, hoặc khuyên bảo người khác cùng
chê, hoặc khuyên bảo một người cùng chê hay
nhiều người cùng chê, cho đến sanh lòng chê bai
trong chừng một niệm. Thời những kẻ như thế đến
sau khi một nghìn đức Phật trong hiện kiếp nhập
diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong
địa ngục A Tỳ chịu tội khổ rất nặng.
Nói về lâm chung
và 49 ngày:
– Chúng-sanh
trong cõi Diêm-Phù-Đề nầy có nhơn duyên lớn với
ngài Địa-Tạng Đại-sĩ. Những chúng-sanh đó hoặc
được nghe danh hiệu của Địa-Tạng Bồ-tát, hoặc
được thấy hình tượng của Địa-Tạng Bồ-tát, cho
đến nghe chừng ba chữ hay năm chữ trong Kinh nầy,
hoặc một bài kệ hay một câu, thời những người đó
hưởng sự an vui lạ thường trong đời hiện tại,
trăm nghìn muôn đời về vị lai thường được thác
sanh vào nhà tôn quí, thân hình xinh đẹp. Như
sau khi người đã chết, lại có thể trong bốn mươi
chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành,
thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn
ác đạo, được sanh lên cõi Trời hoặc trong loài
người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ
thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều
lợi ích.
– Giả sử người
chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa
rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả, sẽ sanh vào
cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung,
hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không
lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương
lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành. Nầy
ông Trưởng Giả! Những chúng-sanh ở hiện tại hay
vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh
hiệu của một đức Phật, danh hiệu của một vị
Bồ-tát hay danh hiệu của một vị Bích Chi Phật,
thời không luận là có tội cùng không tội đều
được giải thoát cả.
– Thần hồn người
chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi
chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục
thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho. Qua
khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà
thọ lấy quả báo. Người chết đó nếu là kẻ có tội,
thời trải qua trong trăm nghìn năm không có ngày
nào được thoát khỏi.
– Hàng thân quyến
của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự
cúng dường lớn, tụng đọc Tôn Kinh, niệm danh
hiệu của Phật và Bồ-tát, tu tạo nhơn duyên phúc
lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi
chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều
phải lui tan cả hết.
– Tất cả
chúng-sanh lúc lâm chung nếu đặng nghe danh hiệu
của một đức Phật, danh hiệu của một Bồ-tát, hoặc
một câu, một bài kệ Kinh điển đại thừa, con xem
xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô-gián cùng
tội sát hại, những nghiệp ác nho nhỏ đáng lẽ
phải sa vào chốn ác đạo, liền đặng thoát khỏi cả.
– Vì thế nên
những chúng-sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha
mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm
chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những
người như thế, kẻ còn người mất đều đặng lợi ích
cả.
– Trong cõi
Diêm-Phù-Đề, những người làm lành đến lúc mạng
chung cũng còn có trăm nghìn quỉ thần ác đạo
hoặc biến ra hình cha mẹ, nhẫn đến hóa làm người
thân quyến dắt dẫn thần hồn người chết đi cho
đọa lạc vào chốn ác đạo, huống chi là những kẻ
lúc sanh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác.
– Trong các
thế-giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau,
những hàng chúng-sanh trong sáu đường, như có kẻ
sắp mạng chung mà đặng nghe một tiếng danh hiệu
của Ngài Ðịa-Tạng Bồ-tát thoáng qua lỗ tai, thời
kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ
ba ác đạo. Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha
mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật
báu, y phục vân vân … của người sắp mạng chung
đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình
tượng của Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát. Rồi làm cho
người bịnh lúc chưa chết, hoặc mắt thấy tai nghe
biết rằng hàng thân quyến đem nhà cửa vật báu
vân vân … vì mình mà tô vẽ hình tượng của Ngài
Ðịa-Tạng Bồ-tát. Người bịnh đó nếu có nghiệp báo
phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này
liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu. Còn nếu
người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại
có đủ tất cả tội chướng, nghiệp chướng, đáng lẽ
phải bị đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công
đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh
vào cõi trời, cõi người, hưởng quả vui thù thắng
vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch…
Lược dẫn như vậy
thiết nghĩ là quá đủ rồi. Bậc trí có thể tin một
loại được gọi là “Kinh” như thế hay chăng? Tôi
có thể khẳng định, và “sẵn sàng đi địa ngục Vô
gián” để nói rằng, kinh này không những là “hậu
tác” mà còn là “nguỵ tác”, đã rất thâm độc, đã
đưa một đạo Phật trí tuệ đoạn lìa tham sân phiền
não xuống ngang hàng với những loại tín ngưỡng
dân gian đầy mê tín, tối tăm và ngu muội. Chỉ
cần khen ngợi, chỉ cần một câu một chữ kinh này,
chẳng cần tu tập gì cả, kẻ ác cũng được vô lượng
công đức, phước báu hay sao???
II- Hiện tượng
chết và tái sanh
Về phần này sẽ có
những tương quan liên hệ sau đây:
– Những nguyên
nhân của sự chết.
– Những hiện
tượng của nghiệp phát sanh trước khi chết.
– Lộ trình tâm
của người sắp chết.
– Dòng tâm thức
tái sanh.
1- Những nguyên
nhân của sự chết: Chết là sự chấm dứt tạm thời
của một hiện tượng tạm thời. Chết không phải là
đoạn diệt hẳn, chết tại chỗ này nghĩa là sanh
tại chỗ khác, như mặt trời lặn ở chỗ này nhưng
lại mọc ở chỗ khác.
Chết, có nghĩa là
chấm dứt mạng căn (jīvitindriya), sức nóng (tejodhātu)
và thức (viññāṇa) của một chúng sanh.
Như vậy, chết có
4 nguyên nhân sau đây:
– Sự chấm dứt của
tuổi thọ.
– Sự chấm dứt của
nghiệp.
– Tuổi thọ và
nghiệp cùng chấm dứt.
– Do sự xen vào
của đoạn nghiệp.
1.1-Sự chấm dứt
của tuổi thọ: Cái mà chúng ta thường hiểu là “chết
tự nhiên”, nghĩa là chết khi đến tuổi già yếu,
tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ tuỳ thuộc cảnh giới,
không hạn định được số lượng nào. Người chết do
hết tuổi thọ như ngọn đèn tắt vì dầu đã cạn hoặc
tim đã lụn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xảy ra,
tuổi thọ hết nhưng nghiệp tái tạo (sanh nghiệp)
của người ấy chưa chấm dứt thì sao? Nếu năng lực
của nghiệp còn tiềm tàng thì người ấy có thể
tiếp tục sống trong cảnh giới ấy hoặc trong một
cảnh giới cao hơn.
1.2- Sự chấm dứt
của nghiệp: Đây là sự chấm dứt của sanh nghiệp
hay nghiệp tái tạo trong kiếp ấy. Dù thiện dù ác,
năng lực trả quả của nghiệp ấy đến lúc đó không
còn diễn tiến được nữa, phải nhường chỗ cho sanh
nghiệp mới hay nghiệp tái tạo mới.
Nghiệp mới ấy
chính là tác hành tâm (javana) của người ấy lúc
lâm chung, có sức mạnh chi phối sự tái sanh. Vào
sát-na ấy, lúc sanh nghiệp cũ chấm dứt, tử diệt,
một năng lực đặc biệt của sanh nghiệp mới, tạo
tác nên đời sống mới, cảnh giới mới.
1.3- Tuổi thọ và
nghiệp cùng diệt: Đây là trường hợp một người
chết lúc tuổi già, đồng thời “sanh nghiệp” người
ấy cũng chấm dứt cùng một lúc. Nếu trường hợp
thứ nhất là đèn tắt do hết dầu, trường hợp thứ
hai do tim lụn – thì trường hợp thứ ba là hết
dầu và tim lụn cùng một lần.
1.4- Sự chen vào
của đoạn nghiệp: Đây là sự chen vào của một
nghiệp rất nặng, có công năng tiêu diệt sanh
nghiệp của loài hữu tình. Đây thường là những
cái chết dữ do một sát nghiệp quá nặng từ quá
khứ đến lúc trổ quả. Ví như chết do bom nổ, dao
đâm, xe tông, lửa cháy, chết đuối… chúng gồm tất
cả các loại chết được gọi là “bất đắc kỳ tử”.
Ba loại chết đầu
được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa), loại
thứ tư, sau cùng được gọi là chết phi thời (akālamaraṇa).
Nếu một ngọn đèn bị tắt, ba loại đầu là hết dầu,
tim lụn, tim và dầu cùng hết thì loại thứ tư,
đoạn nghiệp được ví như gió thổi tắt.
2- Những hiện
tượng của nghiệp phát sanh trước khi chết: Đối
với những người sắp sửa chết, trong khi lâm
chung, do sức mạnh của nghiệp, kiết sanh thức
của người ấy chịu sự tác động của một trong 4
nghiệp sau đây:
– Cực trọng
nghiệp.
–
Cận tử
nghiệp.
–
Tập quán
nghiệp (thường nghiệp).
– Tích luỹ nghiệp.
Nếu là cực trọng
nghiệp, dầu thiện dầu ác, thì tức khắc người lâm
chung bị nghiệp này chi phối, không có nghiệp
nào có khả năng chen vào được. Thứ tự ưu tiên
tiếp theo là thường nghiệp (tập quán nghiệp), do
thói quen bởi những hành động thường làm trong
đời sống hằng ngày. Tích luỹ nghiệp, nếu được
quy tụ tạo thành một khuynh hướng, một cá tính
cũng có thể dẫn dắt kiết sanh thức ra đi. Còn
nếu có một nghiệp được làm trước lúc chấm dứt
hơi thở – cận tử nghiệp – thì nghiệp này quyết
định cảnh giới tái sanh. Tuy nhiên, dẫu là
nghiệp nào đi nữa, người lâm chung sẽ bị chi
phối bởi nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng như
sau:
2.1- Nghiệp (kamma):
Tức là nghiệp nào có sức mạnh nhất hoặc có điều
kiện nhất, không biết là thiện hay ác – một
trong 4 nghiệp trên sẽ quyết định dòng tâm thức
của người ấy, xảy ra tại những sát-na tác hành
tâm. Chính những sát-na tác hành tâm – mà tư tác
(cetanā) là năng lực điều hành sẽ nắm bắt đối
tượng, hoặc thanh tịnh hoặc nhiễm ô, hoặc hỷ
hoặc xả – tương ưng với cảnh giới tái sanh.
Chính ở đây, sau đó, sẽ xảy ra hai biểu tướng
tiếp theo là nghiệp tướng và thú tướng.
2.2- Nghiệp tướng
(kammanimitta): Nghiệp có thể đi qua 5 lộ trình
của ngũ môn (5 cửa, 5 căn), sau đó được đúc kết
hoặc quyết định ở lộ trình ý môn (cửa ý, ý căn).
Vậy, nghiệp bao giờ cũng xảy ra từ ý căn. Còn
nghiệp tướng, tức là tướng của nghiệp, chính là
những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào mà
người ấy từng kinh nghiệm, tạo tác, huân tập ở
trong đời, đã trở thành quán tính, nó tự động
hiện khởi rất rõ ràng trong ý môn của người lâm
tử. Ví dụ:
– Chậu máu, con
dao… đối với tên đồ tể.
–
Hình ảnh
bệnh nhân, kim tiêm, các vị thuốc đối với lương
y.
–
Bình hoa,
quyển kinh, hộp xá-lợi… đối với cư sĩ thuần
thành.
–
Mùi trầm,
mùi hương hoa… đối với người hay thiết lễ cúng
dường bàn thờ Phật
–
Quyển sách
đẹp, tập thơ trang nhã… đối với nhà văn, nhà thơ.
– Cảnh núi non
sơn thuỷ hữu tình… đối với bậc ẩn sĩ…
Lúc những tướng
nghiệp như trên hiện ra, ngay tức khắc sau đó là
thú tướng.
2.3- Thú tướng (gatinimitta):
Đây là tướng của cảnh giới tái sanh. Tướng của
cảnh giới tuỳ theo thiện hay ác, thanh tịnh hay
nhiễm ô… chúng sẽ hiện ra trong ý môn của người
lâm tử. Ví dụ:
– Thấy rừng lửa,
biển máu, hầm dao, chông… Đây là biểu tướng của
địa ngục.
–
Thấy hầm đen,
sâu hun hút, tanh, hôi… là biểu tướng đi vào
thai bào súc sanh.
– Thấy đường mây,
đường hoa lên thiên cung, xanh tươi, đẹp đẽ,
quang rạng… là biểu tượng của các cảnh trời…
Trong những
sát-na này, tướng của nghiệp hiện ra như thế nào
thì thức tái sanh sẽ nương gá tức khắc vào cảnh
giới ấy. Vì giây phút lâm tử này quá quan trọng
nên chúng ta có thể tạo cận tử nghiệp tốt cho
người lâm tử, bằng cách dùng sắc tướng (tượng
Phật, quyển kinh), âm thanh (tụng kinh, chuông,
mõ), mùi hương (trầm)… để tạo ngũ môn và ý môn
lộ trình tâm tốt, đẹp, thanh lương, trong sáng
cho người ấy.
Nói tóm lại,
nghiệp luôn khởi ở ý căn; nghiệp tướng có thể
hiện khởi tại 1 trong 6 căn, tuỳ trường hợp; thú
tướng luôn là những sắc tướng, những hình ảnh
hiện khởi trong tâm như giấc chiêm bao.
3- Lộ trình tâm
của người sắp chết: Lúc nghiệp, nghiệp tướng và
thú tướng hiện ra, lộ trình tâm của người lâm tử
sẽ nắm bắt chúng làm đối tượng, rồi các sát-na
tâm sẽ diễn tiến cho đến khi kiết sanh thức
nương gá vào đời sống mới; và lộ trình ấy diễn
ra như sau:
– Hữu phần rung
động và dừng lại 2 sát-na tâm rồi diệt.
–
Ý môn hướng
tâm khởi lên 1 sát-na rồi diệt.
– Tác hành tâm
khởi lên 5 sát-na rồi diệt.
Đối tượng từ
nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng do 5 sát-na
tác hành tâm này xử sự; tuy chỉ 5 sát-na (không
phải 7 như thường lệ) nhưng nó có khả năng điều
hành, chi phối một đời sống mới.
Sau 5 sát-na tác
hành tâm (cetāna-tư tác quyết định), 2 sát-na
đồng sở duyên có thể khởi hay không khởi, tuỳ
trường hợp. Có thể sau 5 sát-na tác hành tâm là
tử tâm (cuti) là sát-na tâm cuối cùng trong đời
sống hiện tại. Có người hiểu lầm là đời sống kế
tiếp bị định đoạt bởi tử tâm cuối cùng này. Sự
thật, chính tác hành tâm mới chi phối đời sống
sau.
Khi tử tâm diệt,
sự chết mới thật sự bắt đầu. Và sắc thân của
người chết, từ đây, không có một sắc pháp nào
được tạo ra do tâm hay do vật thực nữa, chỉ còn
sắc do hoả đại (nóng, lạnh, thời tiết) được tạo
ra, tiếp diễn cho đến khi thi thể trở thành tro
bụi.
Sau khi tử tâm
diệt, một kiết sanh thức do tác hành tâm quyết
định có nhiệm vụ nối liền đời sống kế. Và đời
sống kế lại được tiếp diễn bởi những sát-na
bhavaṇga hoặc lặp đi lặp lại nhiều dòng bhavaṇga.
Cho đến lúc nào ý môn hướng tâm, 5 sát-na tác
hành tâm phát sanh tâm ưa thích đối với đời sống
mới, lúc đó nghiệp sanh sắc đầu tiên mới tạo nên
danh-sắc trong thai bào. Sau đó, dòng bhavaṇga
tiếp tục khởi và diệt, chúng cứ trôi chảy mãi
như dòng nước không ngưng nghỉ.
Lưu ý:
– Người ta hay
nói “kiết sanh thức” là quả của tử tâm (cuti),
không phải thế, nếu nói chính xác thì kiết sanh
thức là năng lực do tác hành tâm tạo ra, tạm gọi
là quả của tác hành tâm.
– Tử tâm không
liên hệ gì đến kiết sanh thức, chỉ là tên gọi
nhằm chỉ lúc danh-sắc mạng căn của nghiệp cũ
chấm dứt.
4- Dòng tâm thức
tái sanh: Bất cứ chúng sanh nào tới lúc tái sanh,
dòng bhavaṇga trôi chảy không gián đoạn. Nếu kể
về sự chết của một tâm sinh vật lý – thì lúc tử
tâm báo hiệu sự chết thì kiết sanh thức nối liền
đời sống kế, một dòng tâm thức (bhavaṇga) khác
lại tiếp diễn. Ở đây, tử tâm, kiết sanh thức và
hữu phần cùng chung một đối tượng. Các bậc có
trí nói rằng cả ba tâm này cũng có cùng chung
một loại tâm sở. Chúng chỉ khác nhau ở danh từ
và các chức năng công tác.
Sau khi một vài
sát-na nhỏ đầu tiên của hữu phần tạo nên các sắc
pháp do nghiệp sanh… thì hữu phần vẫn tiếp tục
trôi chảy trong đời sống mới cho đến khi hết
tuổi thọ. Rồi lại tái diễn tử tâm – kiết sanh
thức – hữu phần… và dòng sống ấy không bao giờ
khô cạn, không bao giờ dừng nghỉ.
Nói tóm lại, cuộc
tử sinh với dòng diễn biến vô tận, vô định này
chỉ được chấm dứt khi không còn mọi khát vọng
tầm cầu, không còn bị sự sai sử của Vô minh và
Hành nữa; tức là chứng đạt và an trú đạo quả
A-la-hán.
III- Nghi thức
thiết lễ “cầu siêu” theo truyền thống Nam tạng
Như vậy, theo Nam
tạng Pāḷi văn xác quyết là không có 49 ngày và
không có cả thân trung ấm. Và mục này tôi sẽ
chia làm 3 phần sau đây:
– Tái sanh tức
khắc
– Danh (phần tâm
thức) và Sắc (thân xác vật lý) không lìa nhau
– Nghi thức hộ
niệm
1- Tái sanh tức
khắc: Theo hiện tượng chết và tái sanh ở phần
II, chúng ta thấy rõ rằng, sau tử tâm, kiết sanh
thức là thức nối liền đời sống kế tức khắc tìm
kiếm cảnh giới khổ hay vui đều do nghiệp (4 loại
nghiệp), tức là do tư tưởng, tâm niệm cuối cùng
quyết định. Chẳng có vị Phật nào, Bồ-tát nào có
thể xen vào định luật nhân quả nghiệp báo do
chúng sanh đã tạo để ban ơn hay cứu rỗi được.
Đây là luật tắc rất “khoa học”, rất công minh
vậy.
– Như con sâu đo,
muốn rời chiếc lá này, tức khắc nó chụp bắt
chiếc lá khác!
– Như nghĩ tưởng
chợ Đông Ba hay chợ Bến Thành thì tức khắc tái
sanh đến đó ngay!
2- Danh (phần tâm
thức) và sắc (thân vật lý) vốn không thể lìa
nhau: Thật chúng ta không thể tưởng tượng được
rằng, cái thần thức lại có thể lang thang một
mình, vất vơ vất vưởng 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 3
tuần đến 7 tuần. Nó là linh hồn thường tại sao?
Có linh hồn đi một mình là thường kiến của ngoại
đạo đó! Bao giờ sắc cũng không lìa danh, danh
cũng không lìa sắc. Danh phải có chỗ nương gá là
sắc ngay tức khắc. Khi tử tâm diệt, kiết sanh
thức (danh) tìm kiếm sắc (tinh trùng và noãn
châu, nếu là thai sanh) để tạo lập danh sắc mới!
Ở đây, những sắc pháp đầu tiên do nghiệp sanh
nằm ở sát-na nhỏ, qua sát-na nhỏ thứ 2 là sắc do
thời tiết sanh – thế rồi đời sống kế bắt đầu
tượng hình trong thai bào.
Danh, sắc trong 3
cõi Dục, Sắc và Vô Sắc:
– Địa ngục: Thuộc
hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc để thọ khổ.
Chỉ nhận chịu quả báo, không thể tạo nhân.
– Ngạ quỷ: Thuộc
hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc nhưng là sắc
tế vi, mắt người không thấy được. Chỉ nhận chịu
quả báo, không thể tạo nhân.
– Súc sanh: Chỉ
tất cả các loài động vật có thức tánh cao hay
thức tánh thấp, cả thức tánh nhỏ nhiệm. Chúng
thuộc noãn, thai, thấp, hoá, đầy đủ danh sắc, là
sắc thô tháo hoặc nhỏ li ti mắt người không thấy
được như vi trùng, vi khuẩn… Nhận chịu quả báo
và có một số tạo thêm nghiệp ác mới.
– A-tu-la: Thuộc
hoá sanh tức khắc, đầy đủ danh sắc, là sắc tế
vi, đẹp xấu tuỳ nghiệp. Nhận chịu quả báo và có
một số tạo thêm nghiệp ác mới hay nghiệp thiện
mới.
– Cõi người: Thuộc
thai sanh, đầy đủ danh sắc, sắc đẹp sắc xấu tuỳ
nghiệp. Có 6 trú căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý. Nhận chịu quả báo nhưng có thể tạo tác thêm
nghiệp thiện, ác tuỳ người.
– 6 cõi trời Dục
giới: Thuộc hoá sanh, đầy đủ danh sắc, là sắc tế
vi, xinh đẹp do thiện nghiệp. Họ cũng có 6 căn
như cõi người nhưng tế vi và xinh đẹp hơn, có
nam, có nữ và trẻ trung, thanh xuân cho đến tuổi
già. Hưởng thụ ngũ dục cũng như cõi người nhưng
“vi diệu, thù thắng” hơn! Chỉ thọ hưởng quả
phước. Chỉ có một số rất ít tạo tác thêm nghiệp
lành qua tâm ý.
– Phạm thiên Sắc
giới: Do đắc định sơ thiền, nhị thiền, tam
thiền, tứ thiền sắc giới mà hoá sanh tức khắc.
Họ có đầy đủ danh sắc. Chỉ có nam, không có nữ.
Họ chỉ có 3 trú căn là mắt, tai và ý. Do đã rời
xa ngũ dục nên họ không có căn mũi để ngửi
hương, không có căn lưỡi để nếm vị, không có căn
da để xúc chạm êm ái. Họ sống và thọ hưởng hạnh
phúc của thiền định, đấy là hỷ, lạc, xả và nhất
tâm. Hết phước thiền định, họ xuống hoặc lên tuỳ
nghiệp đã tạo tác trước đây. Họ không thể tạo
nhân mới, nghiệp mới.
Trong cõi tứ
thiền sắc giới, có vị Phạm thiên do trú Vô tưởng
thiền là chỉ có sắc, không có danh do năng lực
định duy trì; tuy nhiên, không phải là không có
danh, mà danh đang ở dạng tiềm miên, do vậy vẫn
có danh sắc.
– Phạm thiên Vô
Sắc giới: Do đắc định tứ thiền Vô Sắc mà hoá
sanh tức khắc đến những tầng trời cao tột này.
Đây là cảnh giới chỉ sống với khái niệm, với ý
tưởng, họ không có sắc chất, hình thể, tức là
chỉ tồn tại danh, không có sắc. Danh và sắc
thường liên hệ hỗ tương, không thể tách rời nhau,
tuy nhiên, do năng lực thiền, các vị này tách
lìa danh ra khỏi sắc (do họ chán các sắc) và
sống mãi trạng thái ấy cho đến hết tuổi thọ (hết
năng lực thiền). Trạng thái ấy là xả và nhất tâm.
Và sắc cũng ở dạng tiềm miên, hết phước thiền,
sắc trở lại với danh sắc!
Tương tợ Sắc giới,
Vô Sắc giới không có giống nam, giống nữ. Họ chỉ
có một ý căn, không có các căn mắt tai mũi lưỡi
thân!
Sau khi khảo sát
cả Tam giới thì danh sắc vốn bất ly, chỉ vài nơi,
do năng lực thiền tạm tách rời danh sắc – thì
không hiểu thân trung ấm nằm ở cõi nào, rồi còn
vất vơ, vất vưởng lang thang một mình như một
linh hồn theo quan điểm của ngoại đạo, tà giáo?
Vậy 49 ngày cùng thân trung ấm là đi ngược lại
giáo pháp rất đáng phàn nàn vậy.
3- Nghi thức hộ
niệm theo Nam truyền:
Thời Phật tại thế, khi một vị tỳ-khưu hoặc một
cư sĩ mất, đức Phật hoặc chư tăng đến bên xác
chết chỉ để tụng đọc những bài kệ vô thường và
vô ngã… hoặc niệm thân hoặc niệm sự chết. Và
ngày nay, chư tăng cũng thường đọc tụng như thế.
Khi nghe tin một
người sắp lâm chung, chư tăng được gia đình cư
sĩ đến tụng kinh cầu an.
Cầu an chỉ là tạm mượn của Bắc truyền chứ Nam
truyền, thay vì nói cầu an là tụng kệ chúc phúc
an lành. Cầu siêu cũng vậy, Nam truyền chỉ tạm
mượn, chứ thật ra chỉ để đọc kệ quán sự chết,
quán thân, quán vô thường, khổ không, vô ngã,
không thể cầu siêu độ cho hương linh được, chỉ
gia niệm, gia trì, gia hộ do năng lực của tâm
thanh tịnh thôi.
Giây phút quan
trọng nhất là khi người sắp mất còn nghe được
tiếng lời kinh, kệ để có thể tự chuyển hoá tâm
thức mình. Có thể mở băng đĩa kinh, những thời
pháp. Nếu còn thấy được thì nên để cho người ấy
thấy hình ảnh đức Phật, và cụ thể là chư tăng
đang đứng gần bên mà phát sanh đức tin, nhớ nghĩ
những việc lành của mình đã làm trong quá khứ.
Nếu không còn nghe, còn thấy thì có thấy đốt
trầm, hương, biết đâu người sắp mất cảm nhận
được… Tuyệt đối trong gia đình không nên khóc
lóc, nên giữ không gian thanh tịnh tạo một năng
lượng an lành bao quanh.
Nam tông cũng
nhập liệm, cũng trị quan, trị huyệt nhưng đều
chỉ tụng đọc những bài kệ như nêu dẫn ở trên.
Sau khi người
chết đã đặt trong quan rồi, trước có thiết lễ
bàn thờ Phật Thích Ca (không có Quan Âm, Di Đà,
Địa Tạng), có đèn trầm, hương hoa quả phẩm,
tuyệt đối không cúng thêm bất kỳ gì món gì khác.
Điểm quan trọng tiếp theo, là ngày nào gia chủ
cũng thỉnh mời chư tăng, tối thiểu 4 vị, 6 vị
tỳ-khưu (đủ đại diện cho Tăng-già) đến để cúng
dường y, vật thực rồi chư tăng tụng kinh chú
nguyện hồi hướng. Buổi chiều, tối, chư cư sĩ bạn
đạo vài chục người đến tụng kinh.
Ngày cuối cùng,
ngày mai tiễn linh, bao giờ cũng thỉnh mời một
vị trưởng lão đến để thuyết pháp bên cạnh kim
quan, không phải là thuyết cho người chết (thuyết
linh) mà thuyết cho người sống nghe. Bên Nam
tông không coi trọng quá cái xác chết, có thể
chôn cất mà cũng có thể thiêu, bây giờ đa phần
là thiêu, lấy ít cốt về thờ hoặc gởi tại một
ngôi chùa nào đó.
Do tập tục về
thân trung ấm và 49 ngày đã xâm nhập quá lâu vào
tâm thức nhân gian nên Nam tông cũng quen tuần
nhất, tuần nhì cho đến thất tuần trai tăng hồi
hướng. Tôi đã nhiều lần muốn bỏ nhưng đành chịu.
Nghĩ cũng tốt, thế là có cả thảy 7 tuần để tưởng
nhớ người đã mất, hồi hướng phước cho người đã
mất. Người ta lại còn có cơ hội tưởng nhớ đến
Tam Bảo, đến việc thiện, đến phước đức không là
điều đáng trân trọng sao? Ngoại trừ đâu đó “tạt
nước theo mưa” hoặc lợi dụng tín ngưỡng ấy với
những ý đồ riêng thì ở đây tôi không nói tới.
Tuy nhiên, nếu quá rối rắm, hệ luỵ cho hai hàng
cư sĩ thì không nên, họ khổ nhiều rồi, đến chùa
học đạo diệt khổ mà quá nhiều phiền não phát
sinh thì có đáng không?
Phải biết cái gì
chính, cái gì phụ, việc đáng làm và việc không
đáng làm. Bày nhiều hình thức lễ nghi quá là rơi
vào giới cấm thủ đấy! Lời thật mất lòng, xin chư
vị thiện trí thức hiểu cho điều này và cổ suý
cho. Biết sai mà không nói cũng hổ thẹn với giáo
pháp, hổ thẹn với chư Phật và nhất là hổ thẹn
với hàng phật tử học Phật chơn chánh vậy.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH


|