Tại Sao Các Nhà
Sư Nhật Bản
Xuất Gia Nhưng
Lại Lập Gia Đình?
HT.Thích Giác Quang
Gần đây một số
báo chí ở Việt Nam có loan tin việc nhà Sư Nhật
Bản kết hôn. Thật ra bản tin Sư Nhật Bản lấy vợ
lập gia đình là tin rất cũ và chuyện này cũng
rất cũ. Có thể lâu lâu báo chí ở Việt Nam làm
tin mới lại cho hấp dẫn độc giả và có thể mang
ẩn ý chê bai Phật Giáo Nhật Bản nói riêng và
Phật Giáo nói chung. Xin quý cơ quan báo chí
truyền thông Phật Giáo lưu tâm.
Vấn: Con đọc báo chí thì thấy rằng ở
Nhật Bản các nhà sư được quyền lấy vợ, sinh con,
nuôi con ở chùa và thậm chí họ còn tổ chức tuyển
vợ cho các nhà sư để duy trì nòi giống cũng như
có người kế tục sự nghiệp ở chùa. Đạo Phật là vô
thường vô ngã, kiếp người mong manh, người xuất
thế gian đi tu là để thoát khỏi sự ràng buộc của
gia đình, tránh bị nhân quả luân hồi vậy tại sao
các nhà sư Nhật Bản lại làm điều ngược lại? Như
vậy thì có phải biến chùa thành một nơi thu lợi
nhuận và nuôi gia đình cá nhân, như thế thì làm
sao Phật tử có thể dám đến chùa học hỏi về Phật
Giáo? Con thật bối rối và cũng cảm thấy khó chịu
trong vấn đề này. Xin Sư hoan hỷ giải đáp cho
con được biết ạ?
Đáp: Việc
Nhà sư lập gia đình để truyền thừa Phật pháp tại
một ngôi chùa, gọi là Nhà Sư tu hành theo học
phái “Tân Tăng”, một bộ phận nhỏ và là việc bình
thường của Phật giáo Nhật Bản. Ở Việt Nam
cũng có một hệ phái… trong đó quý chư Tôn Đức
Tăng đều có lập gia đình và chỉ ăn chay kỳ, ăn
chay lâu ngày nhất là vào 03 tháng An cư kiết hạ.
Thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, các Sư thường
xuyên cùng với nhân dân đứng lên chống thực dân
Pháp quen với nếp sống ngoài xã hội nhiều hơn,
nên ít ăn chay mà chỉ có “ăn mặn”.
Vào năm 1950 Cụ
Đoàn Trung Còn cũng có tiếp nhận phong trào “Tân
Tăng” đem về Việt Nam, lập Hội Phật Giáo Tịnh Độ
Tông Việt Nam từ năm 1955, nhưng phong trào nầy
chỉ hoạt động trong nội bộ bổn hội, hình tướng
“Nhà Sư Tịnh Độ Tông” vẫn là một cư sĩ thuần túy.
Đến năm 1963, Thầy Nhất Hạnh, cũng đem phong
trào “Tân Tăng” áp dụng cho Phật giáo Việt Nam,
nhưng không được chư tôn Hòa Thượng chấp nhận,
chư Tôn Đức Tăng Ni phản đối kịch liệt.
Phong
trào “Tân Tăng” Nhật Bản, gồm những Nhà Sư học
giỏi, tài năng, Hiệp hội môn phong cho phép Nhà
Sư tham gia công tác xã hội, trong chốn cung
đình, cơ quan chính phủ từ Trung Ương đến địa
phương hay làm việc trong các Cty, Xí nghiệp,
nói chung làm việc ngoài xã hội như cư sĩ; đồng
thời đời sống kinh tế của các vị chỉ nương vào
đồng tiền lương của chính mình làm ra, không còn
bị ảnh hưởng đến sự phát tâm cúng dường hộ trì
của Phật tử nữa.
Theo giáo sư cư
sỹ Nogawa Hiroyuki hiện đang giảng dạy ở Đại học
Huyền Trang Đài Loan nhận định về nguyên nhân
người tu ở Nhật Bản có gia thất như sau: “Hiện
nay nhiều
tự viện ở Nhật Bản các Sư có gia thất là chuyện
bình thường, không có gì là bất ngờ. Phật giáo
Nhật Bản so với các quốc gia tiến bộ trên thế
giới thì có phần tiến bộ hơn nhiều, do ảnh hưởng
dân trí cao có sự quyết đoán chuẩn mực. Vả lại
sinh hoạt Phật sự của chư Sư rất phong phú và đa
dạng, có tính độc lập, chú trọng vào nội tại tu
chứng nhiều hơn hình thức Tăng đoàn.”
Sinh hoạt Phật
giáo tại Koyashan từ năm từ năm 1993 đến 1994
của giáo phái Chân Ngôn tông, có sự truyền thừa
theo phong kiến, cha truyền con nối, dù có nhiều
người phê phán đến đâu, các vị vẫn bình chân như
vại là hoằng truyền theo phong cách truyền giáo
của mình. Khi có ai hỏi đến tại sao Tổ sư của
các Ngài lại xả bỏ giới Tỳ kheo để sống cuộc
sống với gia đình bình thường, lập gia đình và
truyền tự như vậy, họ chỉ giữ im lặng không nói
cụ thể. Điều ấy cũng nói lên về ý tưởng dễ dãi
phóng khoáng của các Sư “Tân Tăng” Phật giáo
Nhật Bản.
Theo tài liệu
liên quan đến Thánh nhân Thân Loan (1173-1262)
khai sơn Tịnh độ Chân tông về việc kết hôn lập
gia đình, thì có rất nhiều bài viết ca ngợi
hưởng ứng và được đa số người dân Nhật Bản thời
bấy giờ tán đồng việc làm này, phong trào “Tân
Tăng” đã lan rộng, hệ thống Tăng đoàn thuần túy
không còn kiểm soát họ nữa, ông Sư thế tục đó, ở
Việt Nam gọi “ông Thầy cúng”.
Việc ngài Thân
Loan, giáo phái Tịnh độ chân tông đã thông qua
việc kết hôn lập gia đình để thực tiễn hóa Phật
giáo trong tầng lớp bình dân và họ cho rằng
không có gì là không tốt? Song Phật giáo Nhật
Bản từ cận đại về trước, ngoài Tịnh độ Chân tông có
quan điểm đó ra, thì 12 tông còn lại, như Pháp
Tướng, Hoa Nghiêm, Luật, Thiên Thai, Chân Ngôn,
Tịnh Độ, Thời, Viên Thông Niệm Phật, Nhật Liên,
Lâm Tế, Tào Động và Hoàng Bá tông… đều nghiêm
cấm, cho dù lý do cao thượng nào đi nữa Tỳ kheo
vẫn không được kết hôn.
Đến thời đại
Giang Hộ (Edo 1603~1867), Phật giáo trở thành
quốc giáo. Tất cả mọi người dân là tín đồ của
một ngôi chùa, lúc này tất cả các Tự Viện trở
thành nơi đăng ký hộ khẩu hộ tịch, ký thác hài
cốt, bài vị, bảo quản gia phổ của tín đồ. Do các
công việc đó, nơi tự viện cần có rất nhiều người
chuyên môn quản lý lĩnh vực này.
Khi đó, các vị Sa
di nhỏ tuổi xuất gia trong các ngôi chùa ở quê
hương, học tập Kinh sách cơ bản, đa số rời xa
chùa mình đi đến Kinh đô học tập, nơi các trường
học do các tông phái lập nên, có rất nhiều Giáo
sư giỏi và có nền kinh tế ổn định. Lúc này, Nhật
Bản không có chiến tranh, văn hóa phát triển,
một đất nước thái bình. Kết quả là tốt xấu cùng
tồn tại, ở thành phố Osaka và đế đô Đông Kinh,
nơi chốn phồn hoa đô thị, các Sa di mới học Phật
nhỏ tuổi bất hạnh đều bị vướng phải sự hấp dẫn
của chốn hồng trần sắc dục, tài sắc danh thực
thụy, phạm phải giới điều nhà Phật.
Tuy nhiên thời
gian này Phật giáo là quốc giáo, nên các Tỳ kheo
phạm giới đều bị tự viện và pháp luật của quốc
gia xử phạt. Từ nửa thế kỷ 19 trở về trước,
những người phạm giới đều bị phạt lưu đày ra đảo
Hachijo. Đây là hòn đảo ở phía nam của Kinh đô,
không thể trồng lúa, chỉ trồng được khoai lang,
cư dân sống rất cực khổ.
Bị lưu đày ra hải
đảo còn là hình thức tạo điều kiện cho họ xa hẳn
chùa chiền và giới luật Phật, đồng thời do họ có
học thức nên hay viết sách và soạn sách giáo
khoa, đa số họ kết hôn với người vùng này sinh
con đẻ cháu, họ làm việc cho các cơ quan nhà
nước và dạy học ở các trường, cuộc sống của họ
tương đối ổn định, và tất cả người dân đều đồng
tình với họ.
Sau năm 1840,
những tu sĩ được nhà chùa cho đi học phạm giới
quá nhiều, chính phủ và Tăng đoàn không có cách
nào quản thúc được nữa. Cuối cùng, sau khi học
xong có người đã đi cùng với người mình kết hôn
về thăm cố hương và mang theo con cái nữa. Thầy
của họ khi ấy vô cùng khó chịu, song cuối cùng
phải thu nhận những người đệ tử này.
Vì công việc quản
lý hộ khẩu hộ tịch của tự viện không thể đình
chỉ, nên họ phải vào làm công tác này để phục vụ
quê hương. Kết quả, Nhật Bản có rất nhiều hình
ảnh tự viện ở quê sau chùa phơi đồ trẻ em. Tuy
vậy, nhưng họ vẫn là những người làm rất tốt
công tác quản lý hộ khẩu hộ tịch, phần mộ và bài
vị tổ tiên.
Theo Thời báo
Hoàn Cầu: Phật giáo, tôn giáo lớn thứ hai ở Nhật
Bản sau đạo Shinto (Thần Đạo), đã bị suy yếu
trong những năm gần đây khi nhiều ngôi chùa
không đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động.
Ngày càng có nhiều dự án đổi mới được các chùa
áp dụng nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người
và tăng nguồn thu nhập, trong đó có việc mở
phòng nghe nhạc jazz, các thẩm mỹ viện trình
diễn thời trang và các đêm nhạc hiphop.
Các
Nhà sư hiện nay đang là đối tượng được các cô
gái Nhật “săn lùng” để kết hôn trong thời kỳ suy
thoái kinh tế. Ở Nhật, có một số hệ phái Phật
giáo cho phép Nhà sư kết hôn và họ hiện là những
người giàu trong xã hội. Khi đến vãn cảnh một
ngôi chùa Nhật, người ta có thể bắt gặp hình ảnh
các cô gái trẻ và các nhà sư trao đổi danh thiếp
với nhau, cùng mua tranh thư pháp hoặc xúm xít
bên nhau chụp ảnh chung rất vui vẻ. Người ta có
thể bắt gặp các nhà sư phóng xe máy từ chùa ra
ngoài đi làm Phật sự.
Các nhà sư Nhật
Bản đều là những người giàu có, vậy thu nhập của
họ từ đâu? Trước hết, do bán đất nghĩa địa, đất
làm mộ táng là một loại kinh doanh siêu lợi
nhuận ở một quốc gia đất chật người đông như
Nhật Bản. Một khoảnh đất để xây mộ có giá tới
mấy triệu Yên. Hơn nữa, theo tập quán của người
Nhật, mộ của người thân mai táng trong chùa, tuy
đã trả tiền mua đất, song hàng năm đều phải trả
tiền để các nhà sư chăm sóc phần mộ giúp.
Từ xa xưa, các
Lãnh Chúa và chư hầu đều có tập quán hiến đất
cho nhà chùa như một thứ lễ vật để cầu phúc hoặc
sám hối. Những khu đất đó, qua bao đời, đến nay,
vẫn thuộc sở hữu của nhà chùa và trở thành món
di sản để các nhà sư sinh sống.
Thứ hai, tín
ngưỡng tôn giáo của người Nhật khá độc đáo. Khi
sống thì rất nhiều người theo Thần đạo, hoặc
theo Cơ Đốc giáo, thậm chí vô thần, nhưng sau
khi chết thì nhất định trở thành tín đồ Phật
giáo để được về Tây Phương cực lạc.
Muốn biến thành
tín đồ đạo Phật, cần phải trải qua nghi thức đưa
người chết vào chùa để nhà sư đặt cho một pháp
danh. Thông thường, muốn có một pháp danh phải
trả hàng trăm ngàn Yên; nếu không có pháp danh
thì nhà chùa sẽ không bán đất làm mộ táng cho
gia đình.
Thứ ba, các nhà
sư đi làm Phật sự và đọc kinh cũng có một khoản
thu không nhỏ. Khi có người chết, người ta
thường mời nhà sư đến làm lễ và đọc kinh. Khi
xong việc, họ được hậu tạ một khoản tiền không
nhỏ.
Các
vị trụ trì những ngôi chùa Nhật Bản phần lớn đều
là con trai của trụ trì thế hệ trước. Dù giàu
có, nhưng phần lớn các sư ở Nhật Bản đều khiêm
nhường. Tuy nhiên, họ có thể tham dự vũ hội
và ăn thịt ở bên ngoài nhà chùa và đặc biệt là
có thể lấy vợ và sinh con.
Sự việc trên
không còn là hiện tượng nữa, mà là xã hội Phật
giáo, phong trào “Tân Tăng” nhà sư có gia đình,
có con cái lan mạnh thật sự trở thành tập quán
sống “tự túc kinh tế nhà chùa”, người Phật tử
không còn phải dâng cúng dường cho họ nữa và có
truyền thống tại Nhật Bản, cũng giống như cuộc
sống của các Thầy cúng ở Việt Nam các bạn ạ! Đấy
cũng là chuyện bình thường của Phật giáo Nhật
Bản đã có từ thế kỷ 13 đến nay rồi!
Trích bài
giảng của HT. Thích
Giác Quang
|